Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là đề ra mục tiệu xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội nhưng đến nay mới chỉ đạt 40% kế hoạch. Trong khi đó, khoảng 3,4 triệu người đang cần chỗ ở cho gia đình mình.
Tại TP.HCM, giai đoạn 2016-2019, chỉ mới xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 14 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất 15,8ha, quy mô 10.255 căn hộ, trong khi nhu cầu thực tế cần khoảng 134.000 căn. Còn ở Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, dự kiến có 15 dự án nhà ở xã hội được xây dựng, hoàn thành nhưng đến nay chưa có dự án nào hoàn thành.

Nhắc lại những con số trên để thấy nhu cầu rất lớn, kỳ vọng khá nhiều nhưng nguồn cung quá nhỏ và thực thi quá ít. Thật ra thì những chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản đã từng có và đặc biệt là gói tín dụng 30.000 tỷ cũng đã ít nhiều có tác dụng nhưng chưa đủ để đáp ứng cho cả người mua lẫn chủ đầu tư. Bên cạnh đó cũng còn khá nhiều rào cản khác.
Trở ngại lớn nhất là giá thành vì kể cả khi căn hộ nhà ở xã hội về mức 1 tỷ/căn thì cũng khá xa tầm với nhiều người. Nếu căn hộ 25-30m2 được triển khai trên thực tế với giá 20 triệu/m2 như Bộ Xây dựng mới cho hay thì người có thu nhập chưa cao mới có khả năng mua nổi. Tuy nhiên với giá 20 triệu/m2 ở các đô thị đặc biệt như TP.HCM và Hà Nội là bài toán nan giải.

Giờ đây cách xa trung tâm khoảng 15-20km cũng khó tìm mảnh đất nào kết nối tốt với hạ tầng hay các dịch vụ xung quanh. Muốn rẻ phải đi xa mà càng xa, đi lại, sinh hoạt càng không thuận tiện, hẻo lánh và khó khăn nên chưa chắc thu hút người đến ở. Còn gần thì giá đất cao dẫn đến giá thành lớn sẽ “vuột” khỏi tiêu chí nhà ở xã hội.
Ngoài ra các chính sách về thuế, chi phí, lợi nhuận, lãi ngân hàng… dù cho có những ưu đãi mới nhưng không đồng bộ phải quá nhiều thủ tục, có khi 2,3 năm thì cũng khó xây dựng nhanh, đáp ứng giá mong đợi. Chưa kể việc xét duyệt đối tượng mua cũng là những điều “tế nhị” khi hàng loạt dự án cuối cùng người mua được không phải là người khó khăn thật!

Đã có nhiều ý kiến cho rằng trong khi chờ chính sách mới cho nhà ở xã hội được thực thi với thực tế có khi 2-3 năm mới có nhà ở được thì nên cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Điều này xuất phát từ thực tế không phải ai cũng có đủ lực để mua luôn và nhiều người thích thuê hơn tích lũy, trả nợ mua nhà hàng chục năm.
Theo HoREA, hiện TP.HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, và đến năm 2020, có thể hoàn thành 20.000 căn. Trong khi đó, đến hết 2020, TP.HCM cần khoảng 134.000 căn, gấp hơn hai lần nguồn cung nên nhu cầu vẫn còn rất lớn. Giờ đây chỉ còn trông chờ các chính sách mới có thông thoáng và khả thi, để đẩy nhanh nguồn cung không mà thôi.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!