Khi thị trường bất động sản bị khủng hoảng “đóng băng” trong những năm 2011-2013, nhằm giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người có thu nhập thấp ở các đô thị lớn có nhà ở, Chính phủ đã có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng áp dụng từ 2013-2016.
Trong đó 70% tương đương 21.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng; và 30% gói tín dụng ưu đãi tương đương với 9.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Áp dụng lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013; và 5%/năm từ năm 2014 đến năm 2020.

Sau 3 năm thực hiện gói 30.000 tỷ đồng, đến hết năm 2016, đã giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 56.186 người mua được nhà ở. Điều đáng chú ý là trong số này chỉ có khoảng 1/3 là nhà ở xã hội; còn lại, phần lớn là nhà ở thương mại! Những con số trên cho thấy, không phải nhà ở xã hội mà nhà ở thương mại được “hưởng lợi” nhiều nhất nhờ gói hỗ trợ này.

Nhìn vào phân tích trên và thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu quay trở lại giai đoạn tương tự 2011-2013 với mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn thì những gói tín dụng hỗ trợ như vậy rất cần thiết và phân khúc nhà ở xã hội sẽ góp phần lớn “giải cứu” thị trường bất động sản. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế phát triển nhà ở xã hội.

HoREA nhận định trong bối cảnh thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh khiến thị trường bất động sản nói chung suy giảm, việc được cân đối gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng để phát triển loại hình nhà ở xã hội sẽ kích cầu thị trường. Trong đó nhấn mạnh đến kinh nghiệm ở nhiều nước, hình thức phổ biến nhất là loại nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội bán trả góp dài hạn 20-30 năm.

Hiện chỉ riêng TP.HCM cần khoảng 134.000 căn hộ loại hình nhà ở xã hội nhưng dự án được triển khai rất hiếm hoi. Trong khi đó nhiều dự án nhà ở xã hội lại đang tìm cách chuyển đổi sang nhà thương mại với nhiều nguyên do mà chủ yếu là lợi nhuận tốt, thủ tục dễ thở hơn. Nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp thì nhà ở xã hội sẽ vẫn nói nhiều chẳng làm được bao nhiêu.

Hai ngày trước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết bộ đang dự thảo nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để trình Chính phủ ban hành trong quý 3 năm nay.
Trong đó có các chính sách như giảm 50% tiền sử dụng đất, bố trí vốn vay giá rẻ, cấp thiết kế mẫu cho chủ đầu tư… sẽ được Chính phủ ban hành trong quý 3/2020 nhằm khuyến khích phát triển nhà ở thương mại dưới 20 triệu đồng/m2. Hy vọng điều trên sẽ sớm thành hiện thực, dự kiến phải sang đầu 2020 mới được thực thi để “kích cầu” thị trường bất động sản đã bão hòa với phân khúc cao cấp.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!