Không chỉ nhà đầu tư cả thứ lẫn sơ cấp mà ngay cả Đồng Nai cũng muốn biến hàng chục ngàn hec-ta đất quanh sân bay Long Thành thành khu đô thị và dịch vụ.
Thế nhưng một cuộc hội thảo mới đây, giới chuyên môn lại chỉ ra một thực tế phũ phàng khác. Đó là yếu tố hạ tầng các khu đô thị 2 bên những tuyến đường cao tốc chạy thẳng vào sân bay gần như không thể phát triển. Bởi trên thực tế, sân bay có mô hình khác biệt hoàn toàn so với các dự án đầu tư công khác như trường học, bến xe, bệnh viện… nên rất khó để hình thành các khu dân cư bao quanh.
Điều này đã được chứng minh rõ qua các sân bay lớn trên cả thế giới lẫn Việt Nam. Cho đến lúc này trừ Tân Sơn Nhất ở trong nội ô thì Nội Bài cũng chẳng có khu dân cư hay đô thị đáng kể nào tồn tại lâu hay mọc lên nhiều dọc theo cao tốc về Hà Nội. Tôi cũng đã từng đi nhiều sân bay quốc tế ở nước khác và cũng nhận ra điều tương tự.

Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Xanh cho rằng “Đừng mơ màng có khu đô thị bên cạnh cao tốc. Ngày xưa là ‘nhất cận thị, nhị cận giang’, giờ cạnh lộ nhưng đó là quan điểm sai lầm. Không ai chuyển về 2 bên đường cao tốc để ở.
Thông thường ở sân bay sẽ có các khu quy hoạch riêng, tất cả các dịch vụ, kho bãi… đều được quy hoạch trong sân bay. Khi người dân ra khỏi sân bay là đi thẳng về trung tâm chứ không chọn nơi ở quanh sân bay.
Cứ thử so sánh với các sân bay ở Thái Lan, Malaysia, Singapore… xung quanh rất hiu quạnh, không có khả năng phát triển các khu đô thị lớn”.

Nhiều người mua đất gần sân bay Long Thành đã từng nghĩ rằng do hàng quán hay khách sạn, dịch vụ xung quanh sân bay Long Thành sẽ mở nhiều nên đất sẽ tăng. Tuy nhiên sân bay Long Thành rộng 5.000ha được quy hoạch theo mô hình thành phố sân bay (Airport City).
Theo đó, thành phố sân bay là khu vực sân bay “bên trong hàng rào” của một sân bay lớn, bao gồm sân bay (nhà ga, đường băng, đường lăn, sân đỗ). Ngoài ra còn có các doanh nghiệp hoạt động trong sân bay như: Hàng không, hậu cần, văn phòng, bán lẻ và khách sạn, công nghiệp, logistic…

Thành phố sân bay là cốt lõi của sân bay, một dạng đô thị mới phát triển xung quanh nhiều sân bay lớn. Đây là hệ sinh thái khép kín và khách ra khỏi sân bay có thể lên cao tốc về thẳng trung tâm TP.HCM chỉ khoảng 30 phút thì người ta có cất công vòng vèo xuống các đường nhánh để vào những đô thị “bé nhỏ” với cũng từng đó thời gian mà không đủ dịch vụ cần thiết?
Khu vực này cũng rất khó phát triển du lịch và càng không phải là nơi lý tưởng để sinh sống khi máy bay lên xuống ồn ào suốt ngày, ngủ không yên mà chơi cũng chẳng được. Cứ nhìn khu vực Tân Bình, Gò Vấp sát sân bay Tân Sơn Nhất thì rõ. Với những yếu tố trên thì đầu tư bất động sản gần sân bay Long Thành chờ lên với kỳ vọng quá cao rất cần phải cân nhắc kĩ.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!