“Tiếng kêu” của người đứng đầu Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp chủ yếu hoạt động ở Hà Nội, nơi mà lời “khẩn cầu” của giới bất động sản ít hơn hẳn TP.HCM, địa phương đã gần 2 năm nay hàng loạt dự án đình trệ, ách tắc vì cơ chế, chính sách kìm hãm!
Cả năm 2020, dự án mới tại TP.HCM chỉ trên dưới chục hồ sơ được phê duyệt và trong một cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ vướng mắc mới đây, có ít nhất 20 dự án đang ách tắc vì thủ tục, có cái đã gần chục năm không xong!?
Trong những kiến nghị gần đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), không có cái nào lại không đề nghị Chính phủ và Bộ ngành nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý đang đè nặng lên doanh nghiệp và cản trở phát triển của thị trường bất động sản. Ngay cả sau dịch Covid-19, cái mà doanh nghiệp cần nhất không phải là hỗ trợ tiền mà vẫn là cơ chế và chính sách hợp lý.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh nhấn mạnh nếu không vướng mắc pháp lý thì tiến độ xây dựng tiến độ dự án sẽ nhanh hơn rất nhiều. Ông nói “Tôi muốn thủ tục hành chính ngắn gọn lại trong vòng một năm thôi. Chính sách phải cập nhật với thị trường từng năm để có thể điều chỉnh kịp thời. Nếu nhu cầu thay đổi thì chính sách cũng phải linh hoạt thay đổi. Quy luật cung cầu của thị trường phải áp dụng triệt để trong lĩnh vực bất động sản”.
Không riêng gì ông Minh mà các doanh nghiệp bất động sản đều mong muốn pháp lý chặt chẽ là cần thiết nhưng nên thông thoáng và kịp thời chứ không phải vì những lý do nào đó mà lê thê mấy năm trời không xong giấy tờ cho một dự án.
Họ đặt câu hỏi rằng tại sao doanh nghiệp bất động sản nộp thuế và tạo ra của cải rất nhiều, kéo theo hàng loạt các ngành khác phát triển nhưng mỗi khi bị áp lực dư luận thì “tội đồ” lại chính là họ?

Trong một công văn gửi Chính phủ hồi đầu tháng 5/2020, HoREA cho rằng thị trường có khả năng phục hồi rất nhanh sau khủng hoảng nếu được Nhà nước hỗ trợ về cơ chế chính sách.
Khi đã có cơ chế, chính sách thuận lợi, trước hết, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tập trung vào thị trường nội địa, chuyển hướng mạnh mẽ vào phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, nhất là căn hộ 1-2 phòng ngủ, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và chuẩn bị sẵn sàng hấp thụ làn sóng đầu tư nước ngoài, trong trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn với dịch Covid-19.
Nhà nước đã đề ra khá nhiều chính sách hỗ trợ, tiền có và chính sách cũng không thiếu cho nhiều ngành nghề khác để kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Còn bất động sản có lẽ do chưa phải là ngành cần kíp, cấp thiết nên đang phải chờ? Hy vọng mong mỏi của giới bất động sản sẽ sớm thành hiện thực.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!