FiinGroup vừa có báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 với kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Số liệu được FiinGroup tổng hợp từ 999 doanh nghiệp niêm yết phi tài chính, chiếm 97,6% giá trị vốn hóa trên HoSE, HNX và thị trường UPCoM.
Theo báo cáo này, lợi nhuận của hàng loạt ngành nghề sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là những ngành chịu tác động trực tiếp bởi Covid-19 như dầu khí (giảm 303%), giải trí và du lịch (giảm 212%) và bất động sản (giảm 81%).
Nếu không tính những nhóm bị ảnh hưởng mạnh trên thì lợi nhuận sau thuế những ngành còn lại cũng giảm 27% so với cùng kỳ và giảm 50,2% so với quý IV/2019! Một con số đáng lo ngại và cần phải có nhiều biện pháp kích thích hay hỗ trợ nhiều hơn nữa cùng với nỗ lực của chính doanh nghiệp thì hậu Covid-19 mới không chỉ là những ngày giải quyết hậu quả.

Một dấu hiệu không vui khác là dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh (CFO) cũng lần đầu tiên âm ở mức âm 26.000 tỷ trong quý I, từ số liệu của 999 doanh nghiệp phi tài chính. Đây là lần đầu tiên dòng tiền CFO âm kể từ năm 2015.
Bên cạnh đó thì dòng tiền cho hoạt động đầu tư (CFI) cũng thu hẹp mạnh trong ba tháng đầu năm. Trong quý I năm 2018 và 2019, các doanh nghiệp chi lần lượt 51.800 tỷ và 62.900 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư thì ba tháng đầu năm nay con số này giảm gần 40%, còn 37.700 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Tuy nhiên trong nguy vẫn có cơ hội cho một số ngành mà đại dịch lại khiến họ làm ăn phát đạt hơn! Đó là những ngành có tăng trưởng doanh thu tốt như viễn thông (+23%), bán lẻ (+16%), thực phẩm và đồ uống (+8,7%), dược phẩm (+10%) và công nghệ thông tin (+8%). Doanh thu cao kéo theo tăng trưởng lợi nhuận cũng tốt với mức ít nhất là hai con số!

Bức tranh trên có thể chưa toàn cảnh và mảng tối vẫn nhiều hơn mảng sáng, một điều rất bình thường và phổ biến cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam trong cơn tàn phá khủng khiếp của Covid-19. Nhưng xem ra, kinh tế Việt Nam vẫn còn may mắn hơn nhiều nước khi 50 ngày qua, cả nước không còn ca lây nhiễm cộng động nào.
Đến hết tháng 5/2020, Việt Nam vẫn xuất khẩu gần 100 tỷ USD, chỉ giảm hơn 1% so với cùng kỳ và đang xuất siêu cho thấy mọi thứ đang dần trở lại “bình thường mới”. Cùng với sức mua nội địa đang tăng mạnh từ giữa tháng 5 và nhiều đơn hàng đang trở lại thì hy vọng sang quý II và từ quý III trở đi, nhiều ngành hàng như bất động sản, du lịch, giải trí và dầu khí sẽ khởi sắc hơn quý I/2020.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!