1. Còn nhớ, khi ấy là tháng 12 năm 2013, xảy ra sự cố 7 học sinh chết đuối trong chuyến dã ngoại và tắm biển Cần Giờ.
Đó cũng là thời điểm “đến hẹn lại lên”, học sinh các cấp chuẩn bị kết thúc học kỳ 1, các trường hầu như đã ký các hợp đồng đưa học sinh đi cắm trại, vui chơi sau những tháng ngày miệt mài bên sách vở.
Nhưng ngay sau khi có sự cố, đa phần phụ huynh kịch liệt phản đối việc nhà trường tiếp tục đưa con em mình đi dã ngoại.
Một số Thầy Cô lãnh đạo trường đã alo xin ý kiến tư vấn của mình về ứng xử từ phía nhà trường đối với phản ứng của phụ huynh.
Thậm chí có những phụ huynh vô cùng cực đoan, căng thẳng, khóc lóc và khẳng định: “đừng đưa con chúng tôi ra khỏi trường khi chúng tôi đã tin tưởng giao con em chúng tôi cho trường!”
Khi ấy, lãnh đạo trường nào đề nghị tư vấn thì mình cũng đề nghị triệu hồi cấp tốc thành phần gồm GVCN, BĐD CMHS và đội ngũ các Cô bảo mẫu.
Tất cả đều được tập huấn để chuẩn bị tinh thần và nội dung cho cuộc họp phụ huynh kết thúc học kỳ đã kề cận, và chắc chắn trong đó sẽ có nội dung liên quan đến vấn đề dã ngoại, trên cơ sở: Nhà trường, Thầy Cô thấu hiểu, chia sẻ và lắng nghe những lo lắng có cơ sở thực tiễn của phụ huynh nhưng đồng thời cần đảm bảo sứ mệnh giáo dục lâu dài về kiến thức, đặc biệt là giáo dục và trang bị cả kỹ năng sinh tồn cho học sinh các cấp.
Đóng cửa cho con em ở nhà chưa bao giờ là giải pháp đồng thời ngăn chặn tuyệt đối các rủi ro! Thậm chí con em đi bơi, đi du lịch cùng gia đình, vẫn có trường hợp cha mẹ người thân chểnh mảng mà dẫn tới những cái chết đau lòng.
Học sinh được học về an toàn giao thông mà không được thực nghiệm tại đường xá, cha mẹ cứ kè kè bên cạnh, thậm chí con mười mấy tuổi còn chưa một lần đạp xe từ nhà tới trường hoặc ngược lại, thì sao biết cách lưu thông khi đường vắng, đường đông, cách tránh xe, cách hạn chế rủi ro khi bị giật đồ, giỏ xách, cách tránh rủi ro khi có tai nạn ngay trước mặt khi đang lưu thông…
Mặt khác, nhà trường cần có sự chuyên nghiệp nhất có thể trong khâu đàm phán và rà soát các điều khoản của hợp đồng đưa HS đi dã ngoại từ các CT du lịch tham gia chào tour (thực tế là “chào tour” mà không phải là “chào giá” như khá nhiều trường vẫn sử dụng.
Chính tên gọi như vậy dẫn đến đánh đồng việc chọn tour đồng nghĩa với việc chọn giá “hời” nhất mà CT lữ hành đề nghị, và dễ bỏ qua một số điều quan quan trọng không kém điều khoản giá tour như: Điều khoản về điều kiện lưu trú, ăn, uống, bảo hiểm, các quyền lợi khác của khách tour).
Đối với những hợp đồng đưa con em dã ngoại ở những khu vực nhạy cảm như biển, rừng, núi… trong hợp đồng cần có yêu cầu về hướng dẫn viên bản xứ hoặc hướng dẫn viên phải có kinh nghiệm về địa hình địa thế nơi dẫn con em tham quan, dã ngoại, chơi trò chơi để hạn chế tối đa việc lặp lại rủi ro đáng tiếc như sự cố Cần Giờ.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, khi mạng sống của con em được tính bằng giây vì đuối nước – mà việc xách can đi mua nhiên liệu để vận hành ca nô lại được tính bằng vài chục phút, thì thử hỏi cách nào mà cứu?
Thêm nữa, 4 ca nô cứu hộ vào thời điểm xảy ra sự cố lại được cất trong nhà, trong khi đó lẽ ra phương tiện cứu hộ phải được neo tại bờ biển, nhiên liệu phải luôn sẵn sàng cho việc vận hành, ứng cứu và đồng thời phương tiện cứu hộ phải luôn được bảo dưỡng tu trì.

Tóm lại, khi phụ huynh “thông” về việc đóng cửa cho con ở nhà không đồng nghĩa với việc đóng cửa rủi ro, có khi còn để lỡ những cơ hội vui chơi, giao lưu, trải nghiệm kỹ năng sống của con cùng Thầy Cô bè bạn; và khi các trường chuyên nghiệp trong khâu ký kết, thực hiện hợp đồng với các CT lữ hành thì các bên chắc chắn sẽ tìm được tiếng nói chung và hạn chế tối đa những rủi ro, bất trắc trong việc phối hợp chăm sóc về tinh thần và trang bị kỹ năng sống cho con em.
2. Còn chuyện hôm nay. Chuyện của hàng trăm, và có thể còn nhiều hơn nữa – những cây phượng vĩ đang tóe lửa giữa mùa hè, bị đốn gốc, trong đó có những thân cây khi đốn xuống còn tràn trề nhựa sống, nói lên điều gì?
Thực trạng này nói lên rằng:
– Ở những thời điểm cần thiết, không hề “tìm” thấy sự phát huy chức năng chuyên môn cùng chức năng quản lý một cách tâm phục khẩu phục – điều vô cùng cần thiết – từ hệ thống các Công ty cây xanh; Công ty Công trình đô thị và hệ thống cơ quan quản lý về môi trường. Search google chỉ thấy một loạt đưa tin lặp đi lặp lại đến sốt ruột về việc hàng trăm cây phượng tại các sân trường bị đốn gốc, vặt cành theo kiểu ” thà chặt nhầm còn hơn bỏ sót!”, trong khi đó là sự im lặng đến lo lắng từ các CT dịch vụ cây xanh và môi trường, từ cơ quan chức năng.
Người đứng đầu các trường học, ít nhất cần được biết, hoặc được tư vấn trước khi quyết định “giữ hay bỏ” về những dấu hiệu nào nhằm phát hiện nguy cơ cây xanh bị bật gốc?
Nhà trường có nên tiếc tiền cho những chi phí dịch vụ nhằm đảm bảo sự an toàn tối thiểu diễn ra trong khuôn viên nhà trường? CT cây xanh có đủ chuyên môn và trách nhiệm nhằm thực hiện các công việc mang tính chất dịch vụ này???
Duy nhất, chỉ có một bài báo đưa tin ngắn ngủi: “Một vài dấu hiệu dễ nhận biết về nguy cơ tiềm ẩn với cây lâu năm: màu cây bị sạm, bị bọng, hoặc mọc theo kiểu đổ nghiêng về 1 hướng. Cây có tình trạng nhúm gốc, mục rễ nay mối mọt cũng cần phải lưu ý và kiểm tra thường xuyên để xử lý kịp thời…”
Mong rằng lãnh đạo các trường học vẫn kịp “dừng tay” một cách yên tâm và chính đáng để còn chỗ cho con em được nô đùa cũng một cách yên tâm và chính đáng.
Bài viết thể hiện Góc Nhìn của cô Trịnh Anh Nguyên, Đại học Luật TPHCM
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!