Bữa ông anh viết chuyện mì Quảng, mình đọc như nuốt từng lời từng chữ, từng dấu chấm phẩy. Để làm gì biết hông? Để học coi có bí quyết gì trong tô mì Quảng “nhà quê” mà nó ngon dữ vậy? Rồi một ông anh khác comment mà mình cũng quá sức đồng ý luôn, đại loại “đây là món gây tranh cãi nhất!”
Còn gì nữa, món chưa bao giờ đạt điểm tuyệt đối của số đông, cùng chung số phận tạo sóng với phở, bún bò, bún riêu, bún tôm… nói chung là những món nổi tiếng khác.
Nhà chồng mình người Trung mà ăn mì Quảng nhiều nước để rau cho đã, ba chồng mình 1 tô mì 2-3 đĩa rau nên ít nước là ông không ưng. Chồng mình cũng thế, đi ra quán chuyên xin thêm chén nước lèo. Đây là điểm người Quảng không vừa ý nhất mà mình kệ, miễn sao ăn ngon thì thôi nên mình cứ nấu nhiều nước lèo cho ổng. Tuy nhiên, nó luôn làm phật lòng người Quảng khác.

Nếu bạn chú ý, mình chưa review quán mì, quán phở nào bao giờ cả trên con đường du lịch review khắp nơi. Vì mình mệt! Mình mà khen quán nào là y như rằng ắt sẽ có người bàn chê, từ mì Phú Chiêm cho tới bà Mua, bà Hai, bà Anh bà Dinh bà 3 bà 4 bà 5 gì gì đó. Nên thôi kệ mấy bà! Ai muốn ăn chỗ nào tự ăn tự khen tự chê.
Mà ác cái như trêu người, bản thân món mì Quảng ngay tại xứ Quảng đã gây tranh cãi kinh khủng rồi, nay lại có lắm biến thể khắp nơi: Mì Quảng Đà Lạt nấu với su su, củ sắn; mì Quảng Nha Trang sợi mì bé tí ăn với thịt xíu; mì Quảng Phan Thiết béo ngọt vịt sườn… nên nếu đến mấy địa phương này mà chờ tô mì như Quảng Nam Đà Nẵng là không có đâu nha! Mà vẫn mang tên mì Quảng!

Có lẽ vì thế mà Huế sợ sẽ có rất nhiều biến thể của bún bò Huế nên dự tính soạn quy chuẩn nhưng chưa soạn được vì nhiều lý do, trong đó bị chính người Huế phản đối vì có ai chịu ai đâu! Người nói bún bò phải có chả cua, người phản đối. Chính tô bún bò ở Huế cũng rất khác nhau nữa cơ, chứ nói chi tô bún đi vô Đà Nẵng, đi vào Sài Gòn lại càng khác, đúng không ạ?
Phở cũng thế! Ôi thôi đừng dại mà lên các diễn đàn chia sẻ công thức nấu phở, chỉ chết toi! Vì phở mỗi nơi mỗi khác hoàn toàn, mỗi nhà mỗi khác luôn! Phở có nơi nấu với xương heo, có nơi gừng thảo quả quế hồi, có nơi cho cả tỏi.
Nếu ai đọc cuốn sách Phở Việt Nam của nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã sẽ thấy rất nhiều cách nấu phở khác nhau. Đến cô Dzoãn còn phải bất ngờ vì phở có tỏi, như mình ngày xưa té ghế khi ăn phở Hội An có đậu phộng và cần tây.

Bữa có anh kia chia sẻ cách nấu bún tôm Hải Phòng, một chị comment “phải có rau muống” ảnh nói “bên này mùa đông không có rau muống”, chị kia vẫn không tha. Bạn mình post tô bún tôm lên, 80 người vô chỉ cách nấu, dù bạn viết đang bên Mỹ mà vẫn bị yêu cầu phải có rau cần. Ôi, kiếm được rau cần khó gần bằng hái sao trên trời đó nha!

Tô bún riêu cũng thế, bún riêu mỗi tỉnh mỗi miền đều khác nhau hết trơn, bún riêu Quy Nhơn nấu rạm, bún riêu Đà Lạt, Đức Trọng, bún riêu miền Tây nấu giò tôm, bún riêu Hà Nội, bún riêu Sài Gòn quận 4, quận 8, chợ Bến Thành… nó khác nhau hết chèn ơi! Khác từ topping cho đến rau ăn kèm.
Nồi cá kho cũng vậy, mỗi miền mỗi khác nhau, kho cá biển khác cá sông. Có nhiều nơi có lá trà, nước trà, nước mía, nước chanh. Bởi thế tốt nhất là nói cá kho nhà mình, chớ dại nói cá kho miền này miền kia mà sinh tội ra!
Trộm nghĩ có lẽ chỉ miền Tây mới dễ dãi thoải mái, muốn sao thì muốn, ít tranh cãi. Ví dụ như tô bún mắm, cái lẩu mắm, cứ có gì nấu ấy, không ai bắt bẻ bao giờ. Mình đã từng đăng thử tô mắm kho với đậu đũa, cà bát, chỉ thấy mấy bạn vô nói “ơ nhà em cũng kho mắm với đậu đũa”… kiểu kiểu vậy chứ không bao giờ khó chịu.
Viết review miền Tây cũng rất dễ dàng tha hồ khen ngợi, mọi người không ai phản đối gì hết! Nói đến đây đừng ai nghĩ phân biệt vùng miền, nhưng hãy nghĩ đến đặc trưng của tỉnh, có lẽ do tỉnh nào có đặc sản gì thì ăn món nấy nên ra món nào lạ quá sẽ nghĩ của tỉnh kế bên mà quên béng việc trách móc người viết. Hay là do tính tình con người dễ dãi hoặc thoải mái thì mình cũng không xác định được luôn!


Món ăn nhà làm cũng khó, nếu làm khác mình sẽ phải giải thích rất nhiều cho mọi người đừng thắc mắc, mà khổ lắm, có phải bao giờ mình cũng có đủ thời gian chăm chút nguyên liệu mua bán đâu, cái khổ của người quá nhiều việc chỉ biết trông đợi vào tiệm tạp hoá gia đình có gì nấu nấy.
Mà nói thiệt, một người quá lu xu bu việc như chị em ta mà tự tay giữ được bữa cơm gia đình, không dựa vào Tư đã là quá nỗ lực rồi đó! Các mẹ đi làm như mình thấy mình nói đúng không?
Hồi đó cách đây rất nhiều năm mình có lên ti vi chia sẻ cách làm mít trộn, lúc đó mình mới lấy chồng, chị mộng dạy làm món này sao thì mình share vậy. (Nói thêm chị mộng người Huệ, cứ gặp chị em là đổi giọng nói như chim hót. Chị mộng nấu ăn hơi bị ngon.)
Chương trình ti vi vừa phát là có hai bà trong xóm lôi ra chỉ ngay “mít mi đừng xắt mỏng, mi phải xắt sợi nhỏ nữa”, bà kia nói “không không phải xắt mỏng ăn còn múi mới ngon”. Bà khác nói “tui trộn mè chứ không đậu phộng”, bà kia kêu “đậu phộng mới ngon”, bà lại tiếp “món đó phải có da heo”… mình về hỏi bà già “má ơi phải có da heo”, bả kêu “nhà tao ăn thịt ba rọi, không ăn da heo”. Hoang mang dễ sợ luôn!

Bởi thế mình thấy lành nhất là đến đâu cứ ăn theo đó, không thắc mắc vì “kiểu ở đây là vậy”, nếu đã lựa chọn thì ăn thôi, nếu lỡ dở thì thôi im lặng ra về. Món ăn trên mạng cũng vậy, thích thì làm theo, không thích thì quay gót qua trang khác là xong!
Bởi có bạn kêu mấy món trên là mấy món tạo nghiệp. Thôi đừng ai tạo nghiệp đây nha vì với mình nấu kiểu nào cũng đúng, bạn nấu bạn ăn mình có ăn đâu! Còn ai nấu cho mình ăn sẵn thì mình cũng vui lòng ăn hết, thề không chê bai.
Bài viết thể hiện Góc Nhìn của chuyên gia truyền thông Nguyễn Phạm Khánh Vân
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!