Bà Mai Thị Nga, có căn hộ ở tòa R1 cho biết vừa từ Huế ra, muốn đối thoại trực tiếp với ngân hàng bảo lãnh và chủ đầu tư để giải quyết quyền lợi. Bà khóc khi kể về hoàn cảnh của mình: là mẹ đơn thân, có hoàn cảnh rất khó khăn, phải bán ruộng, vay ngân hàng để đầu tư vào dự án, hiện đã đóng đủ 100% giá trị căn hộ. Khi Thành Đô tuyên bố chấm dứt chi trả cam kết thu nhập, bà gần như không có khả năng chi trả các khoản vay và lãi suất ở ngân hàng.
Bà Phạm Nguyệt Nga, chủ sở hữu căn hộ 2605 toà R1, cho biết đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng vì tin tưởng khi SHB bảo lãnh. Bà cùng cha mẹ tập trung toàn bộ tài sản của gia đình, vay thêm 60% để đầu tư nhưng đến nay, sau hơn 2 năm vẫn không nhận được nhà, không nhận được thu nhập cam kết kỳ 2/2019, không có tiền để trả SHB nên bị chuyển nhóm nợ sang nhóm 3, có thể sắp phải ra đường.
Những người lâm vào cảnh như hai bà Nga không phải ít. Họ tin tưởng vào hứa hẹn, quảng cáo của chủ đầu tư và bảo lãnh của ngân hàng rồi gom góp, vay mượn với hy vọng nếu như căn hộ 2 tỷ 1 năm thì với lãi 12%, hàng năm cũng kiếm hơn 200 triệu, trả nợ xong còn dư giả chút đỉnh lại thêm chục ngày nghỉ miễn phí!

Nhưng giờ đây không chỉ ở Cocobay mà nhiều dự án khác tương tự cũng đã, đang và sắp đẩy nhiều khách hàng vào hoàn cảnh khó khăn như thế. Biết rằng lợi nhuận cao, rủi ro lớn nên “có chơi có chịu” và thậm chí nhiều người đã trắng tay còn mang tiếng “tham thì thâm” nhưng chúng ta nên nhìn một góc lớn hơn, quan trọng hơn: luật pháp phải được tuân thủ, hợp đồng cần tôn trọng và chủ đầu tư nên giữ chữ tín.
Làm ăn có thất bại, đại dịch có ảnh hưởng và thị trường đang ảm đảm. Tuy nhiên vì thế mà phủi sạch hợp đồng, uy tín hay thách thức khách hàng kiện tụng thì họ không chỉ đổ xuống sông xuống biển thương hiệu đã gầy dựng mà còn phá nát thị trường của rất nhiều chủ đầu tư đàng hoàng, tử tế khác.

Chỉ vì một số nhà đầu tư lươn lẹo, bội tín và lật kèo mà giờ đây rất nhiều dự án bị đánh đóng bỏ chung một rọ với những cụm từ nặng nề, thậm chí là “lừa đảo, độc ác”!
Còn về phía nhà đầu tư cá nhân hay những khách hàng gom góp, mượn nợ để đổ vào những dự án như Cocobay và phải bật khóc thì đừng nên nhìn họ theo kiểu “nhà giàu cũng khóc” hay “ai bảo tham”. Đồng tiền ấy có khi cũng là mồ hôi nước mắt gom góp cả đời hoặc vay mượn anh em, bạn bè.
Khi Cocobay hay các dự án như vậy lật kèo, đau xót họ nhận lại lại gấp đôi với bao điều tiếng. Họ không có lỗi, họ có quyền đầu tư vào bất cứ dự án hợp pháp nào.
Lỗi là ở những chủ đầu tư bội tín và khe hở của quản lý để những ông chủ lật kèo. Nếu không lấp đầy những khoảng trống pháp lý hay dung dưỡng khi chủ đầu tư bắt đầu sai, sẽ còn nhiều tiếng khóc đau đớn và có khi cả tiếng thét phẫn nộ.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!