Mới đây, Bộ Tài chính đã khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao. Đây không phải là lần đầu tiên Bộ này cảnh báo như trên trước tình trạng nhà đầu tư cá nhân đổ xô mua trái phiếu doanh nghiệp và doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu!
Hiện lãi suất trái phiếu doanh nghiệp đã cao gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm. Theo Hiệp hội trái phiếu Việt Nam, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong tháng 4 có lãi suất từ 6-13%/năm, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có mức lãi suất từ 9,5-13%/năm.

Báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2020 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 (bằng 98%) nhưng doanh nghiệp bất động sản chiếm 49,1% khối lượng trái phiếu phát hành với lãi suất phát hành bình quân tăng; nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng mua trái phiếu doanh nghiệp.
Nhiều người đã từng lầm tưởng trái phiếu doanh nghiệp giống như trái phiếu Chính phủ, trong mọi trường hợp đều chi trả lãi đủ và đúng hạn, được Nhà nước bảo lãnh. Họ còn cho rằng trái phiếu doanh nghiệp không như cổ phiếu, làm ăn thành hay bại thì người mua đều có lãi!?

Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý việc mua trái phiếu doanh nghiệp khác với gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng. Theo thông lệ thì trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro.
Luật Chứng khoán năm 2019 ( có hiệu lực từ 1/1/2021) cũng quy định trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ phát hành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hiện chỉ cần thông báo với Sở Giao dịch Chứng khoán mà không cần xin phép nên thông tin khó rõ ràng, minh bạch và đầy đủ.

Bộ Tài chính còn lưu ý nhà đầu tư về lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao vì vậy, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và đánh giá được các rủi ro mới nên mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu kỹ về đặc điểm của trái phiếu và những rủi ro có thể xảy ra.
Đồng thời, nhà đầu tư cũng nên thận trọng với cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán,…) vì các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết mua lại do phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật hoặc do có khó khăn về tài chính.

Như vậy gửi tiết kiệm hay mua trái phiếu doanh nghiệp để kiếm lãi cao đều có ưu và khuyết và lựa chọn kênh đầu tư vốn nào là quyền của cá nhân. Tuy nhiên lãi suất cao luôn đi kèm rủi ro lớn và thực chất trái phiếu doanh nghiệp chỉ là một kênh vay tiền lãi cao của doanh nghiệp.
Họ làm ăn tốt thì trả dễ còn ngược lại thì nhà đầu tư phải chấp nhận, đừng nghĩ đến việc tổ chức nào đó sẽ “bảo lãnh” hay gánh chịu một phần trách nhiệm khi rủi ro xảy ra.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!