Cuối năm ngoái, trong cuộc trò chuyện với Chủ tịch một tập đoàn giáo dục đang ăn nên làm ra, tôi hỏi tại sao trường H.B đang “thất bát” về tay anh lại đông sinh viên vào trường? Anh bảo “Nếu chỉ xem trường học như một công ty, sinh viên là khách hàng thì không làm giáo dục được”.
Tôi nhớ câu chuyện này vì những ngày qua chứng kiến khá nhiều chuyện buồn xoay quanh hành xử của hàng loạt trường quốc tế, cách họ tận thu và kiểu tránh né phụ huynh.
Giáo dục khai phóng hay nhân bản không còn là mục tiêu hàng đầu như quảng bá và PR nữa mà lợi nhuận hay doanh thu đã được đặt lên hàng đầu. Khá nhiều phụ huynh và cả học sinh đã ồ ra chợt hiểu “Tiên học phí, hậu mới học văn”.

Tôi nghĩ mình cũng như rất nhiều bậc cha mẹ, ai cũng muốn cho con cái có một nền học vấn tốt nhất trong khả năng có thể. Thu nhập và của cải có được, nhiều người dành gần hết cho tương lai của con và chấp nhận cái giá phải trả.
Nhưng một khi họ nhận ra sự thật phũ phàng và những gì lầm tưởng bấy lâu đã lộ ra thì quả thật rất chua xót. Họ phẫn nộ, bức xúc và quyết đòi cho được công bằng chủ yếu vì như vậy chứ không hẳn và chục triệu hay thậm chí trăm triệu giảm trừ.
Tôi chưa bao giờ và tôi tin phụ huynh có con học các trường quốc tế lại ảo tưởng tiền ít lại học được trường tốt hay không hiểu “tiền nào của nấy” và giáo dục cũng là một ngành kinh doanh.
Nhưng đây lại là một ngành kinh doanh đặc thù “kinh doanh vì con người” nên không thể so đo tính toán và toan tính phũ phàng như người ta bán con cá mớ rau ngoài chợ.

Ở trường, học phí rất quan trọng, chi phí để trường duy trì hoạt động còn quan trọng hơn, tuy nhiên làm thế nào để hài hòa giữa các bên một cách văn minh nhất là người làm giáo dục phải hướng đến. Đó là sứ mệnh bắt buộc họ phải có nếu thật sự có cái tâm cho ngành kinh doanh “đặc biệt” này.
Tôi biết trường tư hay quốc tế nào cũng rất khó khăn trong đại dịch này. Nhưng phụ huynh có dễ thở không? Ít và có khi còn rất ít cho nên chỉ mình trường cho rằng phải thu đủ, thậm chí thu hơn những dịch vụ mình cũng cấp để bù đắp hoàn toàn thiếu sòng phẳng.
Hiếm phụ huynh nào muốn chuyển trường, cũng cực ít người lại muốn con cái thấy ngôi trường chúng thích lại xấu dần trong mắt trẻ. Nhưng không chỉ phụ huynh có trách nhiệm làm việc đó mà nhà trường cũng cần chia sẻ chứ không chỉ là mail 1 tiền, mail 2 học phí và mail thứ 3 vần là đóng tiền đủ cho chúng tôi!

Đừng xem mở trường, đón học sinh chỉ với mục đích số 1 là thu về bao nhiêu, khi nào hoàn vốn đầu tư rồi tìm mọi cách nhặt nhạnh thật nhau. Nếu làm như vậy có thể 1 vài năm đầu, phụ huynh chưa nhận ra, dư luận còn bị hào nhoáng che mắt.
Nhưng liệu 5-10 năm sau ngôi trường ấy còn tồn tại? Ngoài “miếng” ra thì kinh doanh làm ăn hay cuộc đời vẫn còn “tiếng”, thứ mà tiền nhiều khi không thể mua và đánh đổi.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!