Tôi biết anh đã lâu. Đọc phóng sự và thơ anh từ ngày còn chập chững vào nghề. Ngày nào cũng xem những status trên facebook của anh. Khá tình, đời, người và hài hước. Dạo gần đây, lại được ngắm những bức tranh chân dung, tranh tĩnh vật do chính anh vẽ. Lần nào cũng thả tim…
Anh là nhà báo. Anh là thầy của rất nhiều thế hệ nhà báo. Nghiệp cầm bút mà không biết Huỳnh Dũng Nhân là một thiếu sót. Tôi không có diễm phúc được là học trò của anh trên giảng đường nhưng may mắn có cuộc trò chuyện khá sâu với anh, âu cũng bù đắp được phần nào.
Đó là một buổi sáng cuối tuần thú vị. Anh đúng hẹn, chuẩn từng phút. Ngồi ngắm nghía tập thơ “Riêng một Góc Nhìn” mới ra mắt, vừa lướt mạng xã hội, đọc tin tức… Nếu không có cây nạng bên cạnh, khó ai biết đó là một người vừa trải qua cơn bạo bệnh “thập tử nhất sinh”.
Huỳnh Dũng Nhân là người được sinh ra trong môi trường báo chí khi gia đình có đến 3 thế hệ làm báo. Riêng anh, bước vào nghề báo từ thời ngưng tiếng súng nhưng nơi từng là chiến trường ác liệt trong mọi miền tổ quốc, hay đến tận Campuchia cũng in dấu chân anh. Nhiều tác phẩm để đời và làm nên tên tuổi Huỳnh Dũng Nhân từ những chuyến đi đó.
Huỳnh Dũng Nhân là người thầy cũng như là nhà báo đi qua nhiều thế hệ, tôi muốn được anh cho Góc Nhìn về chuyện nghề thời anh – thời tôi.
Anh nói rằng, ngày xưa ra trường không ai thất nghiệp vì ít người tốt nghiệp đại học, nhất là báo chí. Nhà báo thời xưa có chất. Tôn chỉ, đạo đức nghề rất nghiêm khắc. Các nhà báo đi trước dạy người đi sau, ai cũng muốn trở thành nhà báo chân chính.
Vì thời cuộc, các tờ báo phải lớn mạnh để bảo vệ xây dựng đất nước, nhà báo cũng phải làm sao cho xứng tầm. Phù hợp với giai đoạn, yêu cầu, đi theo thời cuộc mà người ta lớn theo.
Những người làm báo bây giờ đời hơn, giỏi hơn về công nghệ, tiếng Anh, làm báo đa phương tiện, lăn lộn bươn chải… Tuy nhiên, người làm báo bây giờ không bền vững, nay ở báo này, mai ở báo kia, có khi, mốt lại chuyển sang nghề khác.
Giờ chúng ta sống trong môi trường hoà bình, môi trường làm báo phát triển, nhu cầu bạn đọc thích đọc báo điện tử hơn báo in, viết theo thị hiếu nên nhà báo cũng chuyển đổi theo chứ không phải là dở.
“Báo chí giờ đặt tiêu chí kinh tế hơi cao. Nhưng dù sao tôi thấy cũng không sai, vì nhà báo cũng là một nghề, nhà báo cũng cần phải kiếm sống. Chỉ cần làm cách nào cho mình đừng hổ thẹn”, Huỳnh Dũng Nhân nhận định.
Anh cũng nói rằng, khái niệm ai giỏi hơn ai chỉ đúng phần nào, không phải tất cả. Giờ nhiều người rất giỏi chỉ là thời cuộc làm cho khác đi. Có những cây bút kỳ cựu ngày xưa, giờ cũng phải “chịu” khi làm báo hiện đại.
Anh cho rằng, nghề nào và thời nào cũng thế, 70% lao động, 20% năng khiếu, 10% may mắn, thời cơ. Tác giả ảnh Nụ cười thành cổ Quảng Trị, chỉ cần 1 tấm thôi đã có tác phẩm để đời, nhưng nếu tác giả không “vào sinh ra tử” thì sao có được.
Huỳnh Dũng Nhân may mắn sinh ra trong môi trường báo chí, học đúng ngành, làm nghề mình thích. Anh khẳng định chắc nịch: “Tôi cống hiến bằng ngòi bút. Bỏ ngòi bút ra tôi không biết làm gì cả”. Anh sống với nghề vì đam mê. Bởi nếu vì tiền thì có thể đã chuyển sang nghề khác.
Cũng chính vì niềm đam mê đó mà ngay cả khi về hưu, anh vẫn miệt mài đi – viết – vẽ. Thậm chí, bút lực còn dồi dào. Minh chứng là sau 6 năm về hưu, Huỳnh Dũng Nhân viết được 5 quyển sách, thơ xuất bản liên tục và hàng trăm bức ảnh… Bởi vì thế mà trong giới gọi anh là “Rửa tay nhưng không gác kiếm”.
Anh quan niệm, đã không ngồi vào bàn thì đừng nói chuyện đến tác phẩm. Nếu không đi, không chụp, không viết thì lấy gì cống hiến.
“Là hoạ sĩ thì vẽ đi. Là nhà báo thì hãy viết đi. Báo to, báo nhỏ không quan trọng. Tôi sống trong nó, làm việc suốt ngày. Nếu về hưu không làm nghề nữa tôi thấy buồn lắm. Cọp chết để da, người chết để tiếng, còn tôi làm nhà báo chết phải để lại tác phẩm”, Huỳnh Dũng Nhân nói.
Tài năng với nghề của Huỳnh Dũng Nhân thì không phải bàn. Anh đến với nghề vì đam mê cũng không có gì để phải luận. Điều đó ai cũng biết, công nhận. Nhưng chuyện một “đại nhà báo” như Huỳnh Dũng Nhân phải ở trọ, 11 lần chuyển nhà cho đến khi mua được nhà mới khiến nhiều người bất ngờ.
Người ta nói, “an cư mới lạc nghiệp”. Còn ở anh, khi hưu rồi mới… an cư.
Câu chuyện của anh làm tôi nhớ đến câu chuyện 3 nhà: “Nhà văn – Nhà báo – Nhà giáo = Nhà nghèo”. Huỳnh Dũng Nhân cũng thừa nhận, chuyện “3 nhà” vẫn đúng với số đông, đặc biệt khu vực không phải ở thành thị.
Ai cũng có mưu cầu cuộc sống tốt hơn vì ai cũng có gia đình, không ai muốn nghèo. Tuy nhiên, các giáo viên vùng cao suốt đời vì học sinh, chỉ mỗi việc dạy nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, nếu “3 nhà” mà ở thành thị thì nay đã có những đổi mới, có thể làm thêm, kiếm thêm bằng công sức của mình.
Với Huỳnh Dũng Nhân, anh có cả “3 trong 1”. “Vì sao anh lại chọn cả 3 nghề đều nghèo?”, tôi hỏi.
“Vì tôi chọn nghề liên quan đến cây bút: viết, vẽ, sáng tác… Bỏ cây bút ra tôi lại thành bỏ đi. 3 cái nhà này là niềm vui nghề nghiệp, niềm vui cuộc sống nhiều hơn”, Huỳnh Dũng Nhân khẳng định.
Kể lại cái ngày được về ở trong ngôi nhà do chính đồng tiền mình bỏ ra, thấy tên vợ chồng trên giấy tờ nhà mà anh không giấu được niềm vui. Anh cứ nhắc đi nhắc lại cái cụm từ: “Vô cùng sung sướng!”.
Có nhà riêng, cả nhà không phải rón rén nữa, trái lại đi hiên ngang không phải sợ ai. Con trai anh có thể đá bóng trong nhà, trồng cây nuôi con chó cũng sướng… “Đồng tiền sạch nên có quyền kiêu hãnh. Nhìn con cái sung sướng tôi thấy mình sướng theo”, anh nói.
Thường thì người ta về hưu là “rửa tay, gác kiếm” nhưng Huỳnh Dũng Nhân khi về hưu, có nhà mới, anh lại như “khởi nghiệp” lần 2, viết, vẽ còn… sung hơn trước.
“Nhà cửa quan trọng lắm. Về nhà mới cảm giác hứng khởi sáng tác hơn. Môi trường tạo ra năng suất. Môi trường mới giúp tôi tạo ra mấy tập thơ. Mọi người cứ kêu “ông phải ra khỏi nhà đi để phơi nắng, giao du”, nhưng chắc giờ quen rồi, do bị bệnh và Covid-19, tôi thích ở nhà sáng tác”, Huỳnh Dũng Nhân nói.
Trong căn nhà ấy, lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Anh đi làm thầy ngoài xã hội chứ về nhà là học trò ngoan của vợ, của con. Vợ truyền thụ anh kiến thức về marketing, con cái dạy bố tiếng Anh, công nghệ… Có lẽ vì thế mà lượng status đăng facebook của anh cập nhật liên tục, ngồi nhìn anh lướt màn hình mà… chóng mặt.
Như ở trên anh đã nói, anh làm vì đam mê, là hoạ sĩ hãy vẽ đi, nhà báo thì hãy viết đi. Nhưng tôi còn thấy ở anh cả sự vội vàng với thời gian. Thiêu thân với đam mê để sống một cuộc đời đáng sống.
Lúc đi thực tế tại Hà Giang rồi bị đột quỵ tưởng chừng không qua khỏi, chính ý chí của một nhà báo từng trải, 40 năm ngược xuôi – ngang dọc cả đất nước hình chữ S, mà Huỳnh Dũng Nhân đã chiến thắng bệnh tật một cách diệu kỳ. Tưởng chừng đã “gác kiếm” nhưng có ai ngờ, Huỳnh Dũng Nhân trở lại càng “lợi hại hơn xưa”.
“Lúc đi Hà Giang rồi bị bệnh, ranh giới của cái sống và cái chết chỉ có mấy bước chân thôi. 3 tiếng là giờ vàng trong điều trị tai biến nhưng đến một ngày tôi mới vô cấp cứu khiến tôi cũng sợ. Tôi nghĩ mình mà chết thì vô cùng vô lý, khi bây giờ mới cảm thấy bắt đầu sung sướng vì được sống thoải mái cả công việc, cả gia đình. Thoát chết, tôi ra sức làm việc, vì biết quỹ thời gian không còn bao nhiêu”, anh tâm sự.
Cũng vì thế mà những ngày ở nhà để phục hồi chức năng, lại trong đợt cao điểm Covid-19 bùng phát, Huỳnh Dũng Nhân lại lấy cọ ra vẽ.
Xưa nay cứ nghĩ đến một Huỳnh Dũng Nhân nhà thơ, nhà báo, nhà giáo. Từ dịch Covid-19, xuất hiện thêm một Huỳnh Dũng Nhân hoạ sĩ. “Anh biết vẽ từ khi nào?”, tôi hỏi.
Anh kể, trong bom đạn đã được học vẽ. Tức 10 tuổi đã trải qua những khoá căn bản. Đến khi đi bộ đội, nhờ tài viết chữ đẹp, vẽ khéo, thơ hay mà anh không phải lên rừng kiếm củi như đồng đội. “Miệng mồm đỡ tay chân”, khéo tay như anh cũng nhàn tấm thân. Ai đi làm việc nặng cứ làm, anh được ưu tiên ở lại phòng vẽ, viết báo tường cho đơn vị.
Rồi nghề báo đã kéo anh đi xa, thật xa với nhiều thành tựu đầy kiêu hãnh. Mãi đến 50 năm sau, khi phải “nhốt mình tại nhà”, anh mới vẽ lại. Ban đầu chỉ là vẽ để giết thời gian. Vẽ vì thấy cái hũ màu của con nghịch ngợm bỏ đó, tay trái liệt, tay phải vẫn bình thường nên anh cầm cọ vẽ chân dung bạn bè chơi. Từng gương mặt bạn bè, đồng nghiệp, chiến hữu cứ hiện về trong ký ức. Mỗi lần vẽ là như đang đối thoại với chính nhân vật. Vẽ xong, bạn bè khen đẹp, khen giống nên cứ vẽ. Và thế, trong 4 tháng cách ly tại nhà, anh đã cho ra đời hơn 400 tranh ký hoạ chân dung.
Ngoài ra, anh còn vẽ 20 áp phích chống dịch Covid-19 và được bảo tàng báo chí mượn để triển lãm. Tháng 1/2022 tới, anh sẽ có cuộc triển lãm tranh chân dung “Nhà báo vẽ nhà báo” tại Hà Nội.
“Vẽ chân dung thì tôi chưa từng được dạy. Tự học hỏi mày mò. “Thước dạy thầy, cây dạy thợ” thì cứ vẽ hoài sẽ khá thôi. Lúc đầu vẽ để chống trầm cảm, sau này càng vẽ càng thích. Cách ly dịch chứ không cách ly bút”, anh nói.
Tôi, một thanh niên đang phơi phới tuổi xuân, đôi khi mỏi mệt với bon chen, lại muốn… về hưu sớm. Trong khi Huỳnh Dũng Nhân, một người có 40 năm cầm bút, viết hàng loạt phóng sự, nay đã về hưu, tuổi gần 70 mà vẫn cuồn cuộn, sục sôi sáng tác. Dường như, nếu đi được, chắc chắn anh cũng không ngại phiêu lưu. Nhìn sự nhiệt huyết, máu lửa với nghề, với người, với đời của anh mà tôi phải tự chỉnh đốn lại mình.
Khép lại cuộc trò chuyện, anh kể vui rằng từng được hai người… xem bói cho. “Người đầu tiên nói ‘Huỳnh Dũng Nhân không vào Đảng được’. Sai. Giờ tôi đã là Đảng viên. Còn người thứ hai bảo ‘Huỳnh Dũng Nhân không làm lãnh đạo được’. Đúng. Tôi đã bỏ rất nhiều cơ hội thăng quan tiến chức, để tập trung vào việc cầm bút”, anh cười.
Làm báo mà không biết Huỳnh Dũng Nhân là một thiệt thòi. Viết báo mà chưa phỏng vấn Huỳnh Dũng Nhân là mất đi một điều thú vị!
*Các tranh ký hoạ chân dung sử dụng trong bài viết là tác phẩm của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.