Như Góc nhìn đã từng phân tích, với khối nợ hàng trăm ngàn tỷ của hàng loạt doanh nghiệp BĐS và lượng hàng tồn kho cũng xấp xỉ từng ấy thì dù cho thị trường có hồi phục trong vài tháng nữa, nhiều doanh nghiệp vẫn sẽ lao đao. Còn nguồn cầu thấp, khách hàng vẫn thận trọng, dòng tiền hiếm… thì lại càng vất vả hơn nữa.

Đặc thù của doanh nghiệp BĐS là vốn tự có trong các dự án thường khó quá 30%. Trong khi đó dự án càng lớn, vay mượn càng nhiều và sức ép trả lãi càng cao. Chỉ cần một dự án hạng trung bình thì tiền vay ngân hàng cũng đã trên 100 tỷ và với lãi suất thực tế luôn trên 10-12%/ năm thì chỉ riêng lãi đã là gánh nặng. Dự án càng chôn chân càng khó khăn, chỉ khi nào hàng bán được ào ạt mới bớt lo lãi mẹ đẻ lãi con và không bị siết nợ.
Ngay trong tháng 4, việc BIDV, VietinBank, Sacombank rao bán, phát mãi nhiều dự án, tài sản bất động sản như Kenton Node, The Era Town, tài sản gắn liền với đất ở Bình Dương, Hưng Yên… để thu hồi nợ đã cho thấy thị trường này khốc liệt thế nào, nhất là khi vay ngân hàng là chủ yếu.
Dự án đình đám 1 thời Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên sau bao lần dừng rồi tiếp tục nay đã “bất động” vì khoản nợ 4.063 tỷ đồng đối của chủ đầu tư với BIDV.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2020 đến nay, đã có khoảng gần 20 dự án trên cả nước bị phát mãi, rao bán toàn phần hoặc một phần để ngân hàng thu hồi vốn. Với tình hình hiện nay và cuộc chơi ngày càng khốc liệt thì danh sách này rất có thể sẽ dài thêm nữa.
Không như các ngành hàng cấp thiết và tiêu dùng ngay khác, BĐS từ khi chuẩn bị dự án cho đến lúc hoàn thành, bàn giao có thể mất 5-10 năm. Từng ấy năm và ngốn cả ngàn tỷ đồng với những dự án lớn thì chuyện bị siết nợ, phát mãi hay phải bán bớt tài sản khác để trả nợ với chủ đầu tư không có gì lạ.

Giờ đây không chỉ mong thị trường mau hồi phục, khách hàng sớm trở lại mà các doanh nghiệp còn trông chờ ngân hàng hạ lãi suất, các chính sách thủ tục pháp lý thông thoáng, rút gọn hơn để sớm có dự án, nhanh bán được hàng.
Đó mới là cái gốc để giải quyết nợ, duy trì hoạt động và phát triển chứ những dự báo lạc quan hay hỗ trợ trên lý thuyết chẳng giúp gì được nhiều ngoài yếu tố tinh thần.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!