Nơi tôi đang ở là một khu công nhân, mỗi ngày, hàng trăm con người từ tờ mờ sáng đã lũ lượt kéo nhau ra khỏi những ô nhà trọ để đi mưu sinh. Tất cả tản đi trong sự hối hả, lo toan… dù trên mặt vẫn còn thể hiện những cơn thèm ngủ.
Chiều đến, lần lượt từng tốp công nhân ra về trong sự mệt mỏi và kèm theo đó là cái bụng đói. Rồi tất cả họ trở về căn nhà trọ nhỏ để tiếp tục cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Mỗi cuối tuần, những người công nhân nơi tôi ở lại chìm đắm trong những cuộc nhậu và giai điệu Bolero.
Tất cả họ ngồi với nhau nói đủ thứ chuyện, nhưng lại không ai trong số họ nói chuyện sẽ mua nhà. Họ nói đó là chuyện xa vời, chắc trúng số mới may đâu mua được căn nhà ở đất Sài Gòn này. Chưa kể, giá nhà ngày càng cao, có khi ít năm nữa trúng số cũng chẳng mua nổi nhà.
Đối với họ đủ ăn là may mắn, nếu như trời thương mà được dư giả thì còn lo cho được người thân ở quê, phụ giúp người nhà và để lo cho con cái.

Trong câu chuyện những ngày cuối tuần chủ yếu xoay quanh công việc đang làm và những mối quan hệ, khó khăn trong cuộc sống. Có lần tôi nghe được một cặp vợ chồng trẻ quyết định rời bỏ thành phố về quê để mưu sinh. Họ nói, ở quê thu nhập tuy ít và nhiều khó khăn nhưng đỡ áp lực cuộc sống như hiện nay. Nhà cửa ở quê đều có cả, chỉ cần cố gắng mọi thứ sẽ ổn.
Còn tiếp tục ở lại Sài Gòn với công việc công nhân thì sẽ mãi chôn vùi cả cuộc đời ở nơi xứ người trong những căn nhà trọ, tương lai con cái có khi cũng ảnh hưởng. Chưa kể khi sức lao động dần yếu đi thì không thể mãi làm công nhân được nữa, lúc ấy sẽ còn có thêm gánh nặng trên đôi vai. Họ hẹn tôi một ngày không xa sẽ gặp lại, lúc ấy mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp.
Đó là một trong số ít những câu chuyện mà tôi cảm nhận được khi đang sống gần một khu cho công nhân. Trong những câu chuyện của họ còn xoay bao nỗi lo cho cuộc sống, bao ưu tư và cả muộn phiền.
Tình khúc Bolero lại vang lên trong một buổi chiều vẫn còn đầy nắng của ngày hè, có lẽ những giai điệu âm nhạc sẽ giúp mọi thứ khó khăn vơi bớt đi, giữa những nỗi niềm xa vời về một ngôi nhà.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!