Qua các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy được hành vi mua gom, mua vét khẩu trang với giá thấp sau đó bán lại với giá cao nhằm hưởng chênh lệch trong mùa dịch này của bác sĩ Phạm Hữu Quốc – Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp có dấu hiệu của tội Đầu cơ theo quy định của pháp luật, tuy nhiên qua quá trình điều tra, công an không khởi tố đối với ông Quốc về tội danh này, rất nhiều bạn đọc thắc mắc, thông qua đây, Luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ:
1. Lý do tại sao hiện nay chưa có bất kỳ vụ án nào được khởi tố hình sự để xử lý liên quan đến hành vi đầu cơ mặt hàng khẩu trang y tế.
Điều 196 BLHS 2015 được sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ Luật hình sự đang có hiệu lực tại thời điểm này) quy định về “Tội Đầu cơ” như sau:
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.

Căn cứ theo đó, hiện nay muốn xử lý hình sự hành vi đầu cơ đối với mặt hàng khẩu trang y tế thì trong danh mục hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì mới có cơ sở xử lý hình sự phải có mặt hàng khẩu trang y tế thì mới có cơ sở xử lý hình sự.
Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 177/2013/ND-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá thì hiện nay mặt hàng khẩu trang y tế tại thời điểm hiện nay chưa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hay Nhà nước định giá, do đó hiện nay mặc dù dấu hiệu “đầu cơ” mặt hàng khẩu trang y tế đã tương đối rõ và giá trị cực lớn (hơn 6 tỷ đồng) nhưng không thể xử lý hình sự được.
Liên quan đến vấn đề này, trước đây, theo quy định tại điều 160 Bộ luật hình sự năm 1999 thì Nhà nước không quy định chủng loại loại hàng hoá, theo đó thì với hành vi đầu cơ với bất kỳ mặt hàng nào (lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính) là đủ cơ sở để khởi tố hình sự, tuy nhiên có lẽ do cơ chế mở cửa thị trường giảm điều phối của Nhà nước trong các linh vực nên Nhà làm luật đã thêm vào BLHS 2015 được sửa đổi 2017 nội dung “thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá” thì mới đủ cơ sở khởi tố hình sự về tội danh này.
2. Quy trình đưa một mặt hàng vào danh mục bình ổn giá:
Căn cứ quy định pháp luật hiện hành (Điều 15 Luật giá 2012; Điều 3 Nghị định số 177/2013/ND-CP), thì trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Giá, trên cơ sở đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi tắt là Bộ), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân tỉnh), Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Do đó, trên thực tế để đưa một mặt hàng vào vào danh mục bình ổn giá, Bộ Y tế phải rà soát, đánh giá, báo cáo số lượng sản phẩm khẩu trang y tế này, khả năng cung ứng, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và có những đề xuất cụ thể lên Chính phủ.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 61 Luật Tổ chức Quốc hội thì Ủy ban thường vụ Quốc hội họp thường kỳ mỗi tháng một phiên, đặc biệt khi cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội họp theo quyết định của Chủ tịch Quốc hội hoặc khi có đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hay của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do đó các uỷ ban tỉnh/Tp và/hoặc Bộ Y tế/Tài chính cần tham mưu Thủ tướng đề xuất đưa ngay nội dung này vào kỳ họp UBTVQH lần kế tiếp thậm chí họp bất thường để ngay lập tức đưa mặt hàng này vào danh mục bình ổn giá làm cơ sở điều tiết giá bán cũng như tạo hành lang pháp lý xử lý các cá nhân có hành vi đầu cơ mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch này.

3. Hành vi của bác sĩ Phạm Hữu Quốc sẽ bị xử lý như thế nào?
Tùy thuộc vào Kết luận điều tra của cơ quan công an để làm rõ có hay không dấu hiệu đầu cơ hoặc hàng hóa khẩu trang là thật hay giả thì sẽ có mức xử lý tương ứng.
Bên cạnh đó, có thông tin số khẩu trang của bác sĩ Quốc giao cho người mua là giả, trong trường hợp có căn cứ xác định Bác sĩ Quốc biết đây là hàng giả mà vẫn bán cho người mua thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt Tài sản” và/hoặc tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo quy định tại Điều 174 và 192 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Ngoài ra, với tư cách Đảng viên, với hành vi nêu trên mặc dù không bị xử lý về mặt chính quyền nhưng về mặt Đảng, nhiều khả năng ông Quốc sẽ bị xem xét xử lý do vi phạm trong việc thực hiện chủ trương của đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước tại thời điểm đang xảy ra dịch bệnh Covid-19, tạo dư luận xấu, bức xúc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Bệnh viện Gò Vấp.
Bài viết thể hiện Góc Nhìn của luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM)
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!