Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) nói nguồn tiền mặt của hãng đã cạn. Hãng đang cần bơm 12.000 tỷ đồng để bảo đảm khả năng thanh toán và phải giải ngân từ tháng 4 này.
“Cũng như các hãng hàng không khác, chúng ta đang đối mặt với những thách thức mang tính sống còn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, Tổng giám đốc Dương Trí Thành viết trong thư gửi nhân viên của hãng.
Trước đó, Trung tâm nghiên cứu hàng không châu Á – Thái Bình Dương (CAPA) dự báo các hãng hàng không trong khu vực sẽ cạn tiền mặt trong tháng 5 và có thể bắt đầu phá sản vào tháng 7 tới.

Như vậy, dự báo CAPA đến sớm với VNA hơn một tháng. Khó khăn được báo trước của VNA, ông Dương Trí Thành đã nhiều lần lên tiếng nói rằng tích lũy trong 4-5 năm qua của hãng đã bị dịch Covid-19 thổi bay. Các tuyến bay quốc tế của VNA bị đình chỉ đến hết tháng 4. Thực hiện giãn cách xã hội, VNA cũng cắt giảm 35 tuyến bay nội địa còn 8 tuyến và số lượng chuyến bay chỉ bằng 10% so với trước. Đó là chưa kể tỷ lệ hành khách (load passenger) vô cùng thấp để rồi VNA ra sáng kiến “mua thêm chỗ” để hành khách có cảm giác an toàn hơn. Bamboo Airways cũng theo chân với sáng kiến tương tự.
VNA gặp khó? Và liệu cổ đông chiến lược là ANA Holdings sẽ bước vào trợ giúp như ANA Holdings đã từng làm với hãng hàng không Philippines (PAL)?
Khi PAL bước vào giai đoạn cấu trúc đầy khó khăn do năm 2019 thua lỗ và bị Covid-19 quật tơi tả trong hai tháng đầu năm, đầu tháng 3/2020 ANA Holdings đã dũng cảm tuyên bố sẽ không từ bỏ hãng bay của tỷ phú Lucio Tan đang hoạn nạn. Tập đoàn hàng không Nhật Bản đã bỏ 95 triệu USD để mua 9,5% cổ phần của PAL vào tháng 2/2019 – theo trang CDN Inquirer.
ANA Holdings ký kết mối quan hệ cổ đông chiến lược với VNA sớm hơn nhiều, đầu năm 2016 với tỷ lệ cổ phần là 8,77%. Mối quan hệ này đã giúp VNA khai thác hiệu quả hơn các tuyến bay Đông Bắc Á vốn là thị trường chủ lực chiếm đến 55% tổng doanh thu và lợi nhuận của hãng hàng không Việt Nam. Liên minh với All Nippon Airways vô hình trung cũng tạo nên thế mạnh cho VNA đương đầu với liên minh VietJet Air và Japan Airlines trên các chặng bay Nhật Bản – Việt Nam. Codeshare cũng với hãng bay All Nippon Airways cũng giúp VNA giữ chân phần nào thị trường hàng không Hoa Kỳ và Bắc Mỹ.
Nhưng thời điểm đầu tháng 3 và đầu tháng 4 là khoảng thời gian có quá nhiều biến động khi bệnh viêm phổi Vũ Hán hoành hành và lan rộng trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh cắt giảm các chuyến bay quốc tế và trong nước, ANA cũng có nhiều cái khó riêng khi phải gánh VNA và PAL ở bên ngoài. Trong nước, ban lãnh đạo ANA lại nhức đầu với kế hoạch hợp nhất hai hãng giá rẻ Peach Airlines và Vanilla Air, đồng thời nâng đỡ hãng Skymark Airlines thua lỗ.
Tuần rồi, ANA cùng với JAL và các hãng hàng không liên kết thuộc Hiệp hội Hàng không Định kỳ Nhật Bản kiến nghị chính phủ cho vay 2.000 tỷ yen, khoảng 18 tỷ USD. Kết quả chuẩn thuận gói vay này hay không sẽ được Thủ tướng Shinzo Abe công bố vào ngày mai 7/4.
Đó là chuyện chung của các hãng bay Nhật Bản!
Chuyện riêng là ANA Holdings cũng tìm cách “đi đêm” để vay 300 tỷ yen từ Ngân hàng Phát triển Nhật Bản. Hãng cũng đang làm việc với các ngân hàng tư để vay thêm 1.300 tỷ yen. Nếu mọi chuyện trót lọt, ANA Holdings có trong tay nguồn tiền khổng lồ gần 15 tỷ USD.
Nước xa liệu cứu lửa gần?
VNA đang trong tình trạng nguy cấp. Nếu mọi kế hoạch của ANA Holdings suôn sẻ và nguồn thanh khoản dồi dào, liệu “tiền xa” có chịu cứu kẻ khát vốn VNA. Cái đó tùy thuộc vào mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam với giới chóp bu ANA Holdings có sâu đậm như tình bằng hữu giữa các nhà tài phiệt Nhật Bản và tỷ phú Philippines.
Bài viết thể hiện góc nhìn của Ricky Hồ.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!