Quyết định ngừng cấp visa nhập cảnh của Ấn Độ từ hôm nay 13/3 đối với công dân tất cả các nước là một cú bồi thêm cho hàng không Việt Nam sau những thiệt hại từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.
Thống kê gần nhất cho thấy các hãng hàng không Việt Nam khi mất thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc là 25.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể những khoản lỗ lớn khi thị trường EU đang đóng băng.
Hãng chịu cú bồi lần này là VietJet Air với đường bay mới mở từ Bombay (đi Hà Nội và TP.HCM) và từ New Delhi (đến Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng).
Ấn Độ là một thị trường mới khai phá, trong một nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam và hãng hàng không VietJet nhằm không quá phụ thuộc vào nguồn khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong tổng số dân 1,3 tỷ, ít nhất 200-300 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu Ấn Độ có khả năng đi du lịch nước ngoài. Một khảo sát của Colliers International cho thấy hiện chỉ có 65 triệu người Ấn Độ có hộ chiếu.
Năm 2017, gần 22 triệu người Ấn Độ đi du lịch nước ngoài. Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM K. Srikar Reddy nói, đến năm 2020, con số này sẽ tăng đến 50 triệu. “Chi tiêu cho du lịch nước ngoài của khách Ấn Độ hiện chỉ ở mức 13,3 tỷ USD trong năm ngoái, nhưng sẽ sớm đạt 50 tỷ USD trong năm 2020” – Tổng lãnh sự Reddy cho biết.
Sri Lanka, Trung Đông và châu Âu là những nơi mà du khách Ấn Độ ưa chuộng nhất.
Sri Lanka chỉ thu hút hơn 380.000 khách Ấn Độ trong năm 2017. Một khảo sát của Cục Du lịch Sri Lanka công bố tại hội chợ du lịch London đầu năm 2018 cho thấy những chi tiết thú vị về du khách Ấn. 63,7% du khách Ấn nói họ thích các danh lam thắng cảnh của Sri Lanka; 49,82% nói thích mua sắm; 41,64% nói thích tắm biển và 32,74% thích thư giãn bên… hồ bơi! Hơn 30% nói họ quay lại thăm Sri Lanka lần thứ hai.
Du khách Ấn Độ đứng thứ hai trên thế giới về số lượng, nhưng về chất lượng – tức khả năng chi tiêu – đang vươn lên dẫn đầu.
Du khách Ấn có sức mua khá lớn và họ đang được cả thế giới dòm ngó. Trust Lin, Cục trưởng Cục Du lịch Đài Loan (Trung Quốc) nói với The Economic Times rằng thị trường Ấn Độ có sức mua lớn và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. “Du khách Ấn hiện có khả năng chi tiêu lớn nhất thế giới, gấp bốn lần sức mua của du khách Trung Quốc và Nhật Bản. Chúng tôi đang nỗ lực để thu hút khách từ thị trường này” – ông Trust Lin nhận định.
Các nỗ lực của riêng cá nhân Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cùng với sự kết hợp của ngành du lịch Việt Nam và hãng hàng không tư nhân VietJet đã có kết quả khá ngọt trong mùa đầu tiên.
Thị trường sự kiện – đám cưới cho giới tỷ phú Ấn Độ có giá trị ước tính đến 60 tỷ USD – theo lời ông Phạm Sanh Châu. Hai đám cưới của con nhà siêu giàu Ấn Độ được tổ chức tại Phú Quốc và Đà Nẵng trong năm 2019 là bước thăm dò đầu tiên của Việt Nam đối với cái bánh khổng lồ này.
Năm đường bay thẳng và một đường bay quá cảnh New Delhi – Bali nhắm vào thị trường trung lưu với sở thích mua sắm, tắm biển và nằm thư giãn bên hồ bơi của khách Ấn giờ lại đóng băng vô hạn định.
Chia buồn cùng VietJet và các bạn làm ngành du lịch. Hôm nay Thứ Sáu ngày 13!
Ricky Hồ
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!