Thay đổi tư duy quy hoạch nhà ở
Giao thông công cộng càng phát triển, người dân có xu hướng ở chung cư. Cư dân sống xích lại gần nhau, gom lên cao, để tiện tham gia phương tiện giao thông công cộng (thay vì sống phân tán như trước). Trong khi đó, ở TP.HCM, thành phần độc thân hay gia đình 2 thế hệ ngày càng nhiều, thậm chí gia đình 1 con khá phổ biến.
Khi hệ thống 6 tuyến metro vươn vòi bạch tuộc, nên cho phép các dự án chung cư có diện tích căn hộ nhỏ hình thành trong bán kính 1km xung quanh các trạm metro, để cư dân tiện tham gia loại hình giao thông này.

Có thể thí điểm ở khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM, có chính sách ưu đãi để doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng loại căn hộ diện tích nhỏ. Loại hình căn hộ này ưu tiên phục vụ người trẻ, sinh viên mới ra trường lập nghiệp, chuyên gia đến làm việc. (Không có nhà ở thì làm sao sáng tạo được!?).
Trong quá trình thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật, cân nhắc phương án thiết kế căn hộ 25-30m2 liền nhau để khi có nhu cầu mở rộng diện tích ở thì có thể thông nhau (dual key). Chẳng hạn ở Singapore, Chính phủ hỗ trợ những người trẻ ra riêng ưu tiên mua những căn hộ sát căn hộ của bố mẹ (house swap). Sau này, con cái chăm sóc bố mẹ, hay ông bà chăm giữ cháu rất tiện lợi.
Nên thay đổi tư duy quy hoạch nhà ở theo hướng quản lý diện tích ở tối thiểu trên đầu người thay vì cứ chăm chăm quản lý diện tích căn hộ. Chính sách cần linh động, sát nhu cầu, thực tế chứ không nên quá máy móc.

Xu hướng sống “diện tích nhỏ đi”
Những chung cư cho phép thiết kế căn hộ diện tích nhỏ, có thể hạn chế số tầng. Như ở Pháp, họ xây những cư xá thấp tầng, diện tích mỗi căn nhỏ, thu hút dân mua ở, mà không gây áp lực hạ tầng. Còn ở Việt Nam, trong khi nhà nước không cho phép xây dựng căn hộ diện tích nhỏ (dưới 30m2) thì lại thả nổi số tầng cao, thậm chí không quản lý mật độ căn hộ trên tầng. Điều này gây áp lực hạ tầng lớn hơn.
Thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến việc nâng cấp 4 huyện (Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi) lên quận. Theo quan điểm của chúng tôi, TP.HCM không nhất thiết làm điều này. Thành phố không cần mở rộng đô thị ra các huyện. Thực tế cho thấy tại TP.HCM, tỷ lệ cư dân ở chung cư còn rất thấp (chỉ hơn 10%), trong khi có thể nâng tỷ lệ sống chung cư lên 50%.
Theo các chuyên gia (am hiểu về lĩnh vực đô thị), xã hội càng phát triển, xu hướng diện tích ở càng nhỏ lại (như ông bà ta tiên tri: ăn nhiều, ở có bao nhiêu:)). Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí xây dựng, vừa tiết kiệm điện phát máy lạnh, diện tích còn lại tăng mảng xanh, tăng oxy.

TP.HCM hơi bị ngược đời là cứ hô hào người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, vay nước ngoài hàng tỷ đô la để xây metro nhưng lại không cho phép xây căn hộ chung cư diện tích nhỏ. Không có chung cư diện tích nhỏ thì lấy ai đi metro để trả nợ nước ngoài?! Metro chủ yếu thu hút cư dân sống tại các chung cư gần trạm.
Những người trẻ lập nghiệp bằng chính thực lực, thường chọn sống tại các chung cư (có thể diện tích nhỏ) nhưng ở trung tâm, gần các ga metro, để dễ dàng di chuyển. Đây là xu hướng toàn cầu chứ không phải riêng TP.HCM. Diện tích căn hộ “compact” đồng thời với “compact” thành phố. Điều này giúp tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm đất (trong bối cảnh đất đai vừa bị đẩy giá, vừa quá lãng phí).
Bài viết thể hiện Góc Nhìn của Nhà báo Nguyễn Lê. Bài viết có tham khảo ý kiến của chuyên gia.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!