Sau khi Công an Long An thông báo truy tìm lãnh đạocủa Công ty Hưng Thịnh Long An để điều tra, xác minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tập đoàn Hưng Thịnh phải phát đi thông cáo khẳng định, Công ty Hưng Thịnh Long An không thuộc hệ thống công ty thành viên và không có bất cứ mối liên hệ nào với Tập đoàn Hưng Thịnh!
Tập đoàn Hưng Thịnh không phải là DN BĐS tên tuổi đầu tiên bị nhái thương hiệu và chịu “ tai bay vạ gió” vì trùng tên với DN làm ăn lừa đảo hay kinh doanh không đàng hoàng.
Năm 2018, Him Lam Land “điên đầu” vì 2 dự án Khu dân cư Him Lam Chợ Lớn (quận 6) và Khu dân cư Him Lam (quận 7) của họ bị các đơn vị khác nhái thương hiệu, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Tập đoàn Đại Phúc cũng bị dân môi giới lấy “mác” dự án Van Phuc City (quận Thủ Đức) để chào mời khách hàng mua đất tại một dự án “ma” ở Bình Dương, cách đó không xa!
Tháng 7/2018, Tập đoàn Nam Long phải khởi kiện doanh nghiệp Nam Long Real vì công ty này sử dụng thương hiệu Nam Long để bán dự án phân lô tại tỉnh Bình Dương. Trong khi đó, Tập đoàn Nam Long không có bất cứ dự án đất nền nào ở Bình Dương.
Ngày 10/09/2019, Tập đoàn Hưng Thịnh đã tiến hành khởi kiện Công ty Hưng Thịnh Long An và được Tòa án nhân dân tỉnh Long An thụ lý. Sau đó, Tập Đoàn Hưng Thịnh còn gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra xử lý Công ty Hưng Thịnh Long An tránh việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các Khách Hàng/Nhà đầu tư cũng như của Tập đoàn Hưng Thịnh.Nhưng chưa xử lý xong thì lãnh đạo tập đoàn này đã ôm hàng chục tỷ bỏ trốn và cái tên Hưng Thịnh “ lừa đảo” lan tràn khắp nơi.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh khuyến cáo : “Tập đoàn Hưng Thịnh hiện là thương hiệu bị nhái tên nhiều nhất, ngay cả trong nhiều lĩnh vực khác không chỉ là bất động sản cũng lấy tên “Hưng Thịnh”. Quý khách hàng và nhà đầu tư nên tìm hiểu thông tin chính xác để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra”.
Một trong những lý do chính khiến các tên tuổi lớn bị nhái hay lập lờ là khi phát hiện, nhiều DN chỉ cảnh báo chung chung, ngại kiện tụng không làm đến nơi, xử đến chốn nên các DN làm ăn chụp giật được đà lấn tới.
Ngoài ra việc đăng ký, bảo hộ thương hiệu lâu nay vẫn bị xem nhẹ. Khi bị xâm phạm thương hiệu, nhiều DN lớn bị động và lúng túng trong việc bảo vệ thương hiệu của mình.
Còn các cơ quan chức năng thường đợi cho đến khi nào DN làm ăn lừa đảo, khách hàng tố cáo mới vào cuộc khi hậu quả đã khá lớn. Tuy nhiên việc bảo vệ tên tuổi vẫn là chuyện sống còn mà DN phải chủ động làm, họ không mạnh tay từ đầu thì khó ai giúp và hậu quả sẽ khó lường.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!