1. TTCK Việt Nam có Luật Chứng khoán mới có hiệu lực vào ngày 1/1/2021.
Luật mới nâng điều kiện trở thành công ty đại chúng từ mức vốn điều lệ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng;Đối với các hành vi vi phạm khác, mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
2. Phê duyệt Đề án cơ cấu lại TTCK Việt Nam.
Chính phủ đặt mục tiêu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017. Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025.
Riêng với khối NHTM, Đề án của Thủ tướng đặt mục tiêu đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Tính đến ngày 19/12, ngoài 18 ngân hàng đã niêm yết , còn khá nhiều ngân hàng vẫn ngoài sàn.
3. Bùng nổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 11 tháng 2019 ước tính đạt 237.000 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ năm 2018. Như vậy, tính đến hết năm 2019, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tương đương 10,26% GDP. Đặc biệt thị trường này chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của khối doanh nghiệp bất động sản với quy mô phát hành khoảng 71.000 tỷ đồng.
4. Quỹ ETF nội cạnh tranh thu hút dòng vốn ngoại
Năm 2019 đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của quỹ ETF nội tên E1VFMVN30. Quỹ huy động được gần 2.200 tỷ đồng trong năm 2019, trong đó nổi bật là dòng vốn từ Thái Lan thông qua chứng chỉ lưu ký niêm yết trên TTCK nước này với quy mô 151,5 triệu USD và lấy chứng chỉ quỹ E1VFMVN30 làm tài sản cơ sở.
5. Vốn ngoại gây ấn tượng với các thương vụ mua lớn
Các thương vụ tiêu biểu là SK Group chi 1 tỷ USD sở hữu 6,15% cổ phần VIC, Quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore GIC mua gần 14 triệu cổ phần MSN, KEB Hana Bank của Hàn Quốc mua 15% cổ phần BID trị giá khoảng 882 triệu USD, Vietcombank bán liên doanh bảo hiểm VCLI cho Tập đoàn FWD Sumitomo Life mua 41 triệu cổ phần BVH trị giá 173 triệu USD…
Sau những thương vụ bán vốn nhà nước thành công trong 3 năm trở lại đây, SCIC với vai trò cổ đông lớn, đã tạo dựng dấu ấn quan trọng và kinh nghiệm quý cho những thương vụ sau này.
6. Cú sốc FTM và rủi ro trong hoạt động cầm cố cổ phiếu
Từ giá 25.000 đồng/cổ phiếu giữa 2019, FTM đột ngột rơi sâu, mất hơn 90% giá trị, đến thời điểm 19/12/2019 chỉ còn 2.340 đồng/cổ phiếu. Việc cổ phiếu FTM rơi quá nhanh và quá sâu lộ ra nghi án cổ phiếu bị một nhóm cổ đông thao túng làm giá. Khi sự việc vỡ lở, đồng loạt các CTCK tung lệnh bán giải chấp khiến giá và thành khoản mã FTM rơi không phanh. Vụ việc trở nên bất thường trên TTCK do có hàng chục công ty chứng khoán âm thầm cho vay cầm cố cổ phiếu FTM với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Khoảng trống này cho thấy cần có giải pháp để chặn đi những câu chuyện giải chấp hàng loạt. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vào cuộc thanh tra vụ việc tại FTM.
7. Xử phạt FLCHomes thành hiện tượng nổi sóng dư luận
Ngày 19/11/2019, UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES với số tiền 400 triệu đồng, vì có hành vi vi phạm chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đăng ký.
Cùng với đó, UBCK ban hành xử phạt việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với FLCHOMES, yêu cầu thu hồi số chứng khoán đã chào bán sai phạm, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư. FLCHOMES thành hiện tượng nổi sóng dư luận bàn rộng rãi trên các diễn đàn chứng khoán.
8. Ra mắt Chứng quyền có đảm bảo (CW) sau 7 năm “thai nghén”
Đây là sản phẩm phái sinh thứ hai được giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30.
Cũng liên quan đến sản phẩm mới, trên thị trường phái sinh do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vận hành, tháng 7/2019 đã ra mắt Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ.
9. Thanh khoản thị trường năm 2019 thấp hơn kỳ vọng
Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quy mô giao dịch trên thị trường cổ phiếu năm 2019 chỉ đạt trung bình 4.639 tỷ đồng/phiên, giảm 29%. Việc tổng số vốn huy động qua phát hành cổ phiếu trên TTCK năm 2019 giảm khá mạnh, giảm 41% so với năm 2018. Những diễn biến này đòi hỏi thị trường năm mới cần thêm giải pháp mới, thúc đẩy thanh khoản, tạo niềm tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
10. Lần đầu tiên bỏ phí sàn môi giới chứng khoán
Thông tư số 128 Bộ Tài chính quy định mức trần giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm là 0,5% giá trị giao dịch, không còn quy định về mức sàn 0,15% như quy định cũ. Sau khi thông tư có hiệu lực, kể từ ngày 15/2/2019, nhiều công ty chứng khoán lập tức triển khai chương trình giảm phí giao dịch về 0% nhằm thu hút nhà đầu tư.
Trên TTCK hiện có hơn 70 công ty chứng khoán, nhưng 10 công ty Tốp đầu thường xuyên nắm giữ 65 – 70% thị phần môi giới. “Miếng bánh” khoảng 30% còn lại dành cho hơn 60 công ty chứng khoán và cuộc chiến thị phần ở nhóm này khốc liệt từ nhiều năm nay.
nguồn: Khánh Huyền, CLB nhà báo Chứng khoán
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!