Ở phần đầu tiên, Góc Nhìn sẽ đưa bạn khám phá vùng núi Đông Bắc với cảnh sắc kỳ vĩ nhưng không kém phần yên bình và giản dị.
Hà Giang
Điểm đến đầu tiên của vùng Đông Bắc là Hà Giang – Nơi địa đầu Tổ quốc. Hà Giang vốn đã nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và vô vàn điểm tham quan hấp dẫn, một số địa điểm không nên bỏ lỡ khi ghé thăm nơi đây:
- Cột cờ Lũng Cú: Có lịch sử lâu đời, đã trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo, cột cờ Lũng Cú vừa là di tích lịch sử, vừa là điểm cực Bắc linh thiêng của Tổ Quốc, là điểm đến mà mà hầu như ai đi Hà Giang cũng phải ghé qua một lần.
- Cao nguyên đá Đồng Văn: Là công viên địa chất đầu tiên ở Việt Nam, nơi đây thu hút khách du lịch gần xa bởi cảnh quan địa hình đặc sắc, ghi dấu lịch sử phát triển của trái đất và sự biến đổi của thiên nhiên
- Phố cổ Đồng Văn: Chỉ cần nửa ngày dừng chân ở một quán nhỏ hay lang thang trong phố cổ hết sức gần gũi, giản dị cũng đủ để bạn “F5” tâm hồn.
- Phó bảng: Nằm sâu trong thung lũng của cao nguyên đá, Phó Bảng mang một vẻ đẹp yên bình đến lạ. Cuộc sống nơi đây rất đơn sơ, giản dị. Những ngôi nhà mái ngói rêu phong, những bức tường đất đã hoang ố màu vàng theo thời gian mang đến những ấn tượng khó quên. Ngoài ra những mái nhà còn khoác lên mình một chiếc áo mang sắc màu cổ kính, huyền bí nhưng không kém phần độc đáo, quyến rũ.
- Đèo Mã Pì Lèng: Chạy dài 20km được mệnh danh là “vua đèo vùng cao” và góp mặt trong “tứ đại đỉnh đèo”, Mã Pì Lèng tuy hiểm trở bậc nhất nhưng lại vô cùng hấp dẫn đối với hội mê xê dịch, ở đây bạn có thể cảm nhận được sự ung dung và tự tại với đất trời.
- Sông Nho Quế: Được coi là một trong những biểu tượng của Hà Giang, sông Nho Quế là một trong những con sông đẹp nhất của miền hoa đá. Nằm dưới chân những ngọn núi hiểm trở nhưng Nho Quế lại khoác lên mình vẻ đẹp của sự yên bình và nên thơ mà du hách không nên bỏ lỡ.
- Dinh thự họ Vương (Dinh vua Mèo): Nằm trong thung lũng thuộc xã Xà Phìn, Đồng Văn, Dinh mang đậm nét kiến trúc cổ xưa độc đáo. Khi đến đây, khách du lịch sẽ được tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử hào hùng, những câu chuyện yêu nước của gia tộc này.
- Núi Cấm Sơn: Tọa lạc ngay giữa lòng thành phố Hà Giang, ngọn núi mang một vẻ đẹp ấn tượng và kỳ vĩ. Nhìn vào núi Cấm Sơn, khu khách bị cuốn hút bởi những vách núi cao ngút, đặc biệt hơn hết dù đặt cạnh một thành phố hộn nhịp nhưng vẫn mang một nét trầm mặc và bí hiểm.
- Bản Lao Xa: Là một con bản nhỏ và yên bình nằm sâu trong vùng núi. Trên suốt quãng đường vào đây, du khách sẽ được đi qua những cung đường hùng vĩ. Hãy dành nhiều thời gian ở đây nếu bạn đang cần những ngày chữa lành.
- Những phiên chợ vùng cao: Đây là một trải nghiệm không thể bỏ lỡ nếu như bạn là người có sự yêu thích với lối sống và văn hóa của người dân vùng cao, một số phiên chợ có thể ghé qua như: Chợ tình Khâu Vai (27/3 âm lịch), chợ Bạch Đích, chợ đêm Mèo Vạc, chợ Đồng Văn,…
Ngoài những điểm đến tham quan thì ẩm thực Hà Giang cũng hấp dẫn không kém với các thức đặc sản như: thắng dền, thắng cố, thịt trâu gác bếp, bánh cuốn Đồng Văn, bánh tam giác mạch, phở chua, xôi ngũ sắc,…
Cao Bằng
Tiếp tục cuộc hành trình về phía đông tỉnh Hà Giang là điểm đến kế tiếp – Cao Bằng, hứa hẹn sẽ đem đến cho chúng ta những trải nghiệm tuyệt vời về thiên nhiên và con người nơi đậy.
- Thác Bản Giốc: Du lịch Cao Bằng mà chưa tới đây thì thật sự là một thiếu sót. Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng và nằm trong quần thể Công viên Địa chất Toàn cầu Cao Bằng được UNESCO công nhận trên toàn cầu.
- Động Ngườm Ngao: Cách thác Bản Giốc 5km và nằm trang một ngọn núi thuộc bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Động được phát hiện năm 1921, đưa vào khai thác du lịch năm 1996 và được công nhận là danh thắng cấp quốc gia năm 1998. Tham quan động, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hệ thống thạch nhũ tự nhiên cùng măng đá làm nên một vẻ đẹp lung linh và sinh động.
- Vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén: Thuộc xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), được thành lập tháng 1/2018 trên cơ sở chuyển hạng từ cấp Khu bảo tồn. Vườn có tổng diện tích tự nhiên hơn 10.000 ha, trong đó có hơn 8.000 ha rừng tự nhiên.
- Đèo Mã Phục: Thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng. Đèo dài 3,5km, cao khoảng 700m so với mực nước biển, uốn lượn quanh co 7 tầng dốc giữa hai dãy núi đá vôi cao hướng mặt về nhau tựa như hình ảnh hai con ngựa đang phủ phục. Đây là con đèo đẹp nhất Cao Bằng và nằm trong nhóm những cung đường hiểm trở nhất Việt Nam. Đặc biệt, đây là điểm di sản địa chất độc đáo của Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận.
- Hồ Thang Hen: Nằm ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng. Hồ Thang Hen thuộc vào loại hồ nước ngọt tự nhiên trên núi cao nhất Việt Nam bởi độ cao 1.500 – 1.700m so với mực nước biển. Hồ Thang Hen từng được bình chọn là một trong 10 hồ nước tự nhiên trên núi đẹp nhất Việt Nam.
- Khu di tích Pác Pó: Có địa phận thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đến với nơi đây, du khách không chỉ có cơ hội được chiêm ngưỡng và tận hưởng phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn được tìm hiểu và biết thêm nhiều điều về một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng dân tộc Việt Nam.
- Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo: Thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng được công nhận là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Đây là một trong những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi còn giữ lại được vẻ tự nhiên, hoang sơ và cũng là nơi lưu giữ hệ thống các di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam.
- Khu di tích anh Kim Đồng: Được xây dựng ngay trên quê hương của người anh hùng nhỏ tuổi tại làng Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng). Khu di tích gồm có mộ anh Kim Đồng và tượng anh khang trang tại chân rặng núi đá cao đồ sộ, bên cạnh cây nghiến xanh biếc, luôn tỏa bóng mát. Nơi đây còn có Nhà bia tưởng niệm nơi thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. Khu di tích là nơi lưu dấu hình ảnh và hành động hy sinh anh dũng của anh hùng liệt sĩ Kim Đồng – Đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; ghi dấu địa danh nơi thành lập tổ chức Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay). Đây là một di tích lịch sử có giá trị giáo dục truyền thống đối với thanh thiếu nhi cả nước.
- Làng rèn Phúc Sen: Nghề rèn của người Nùng ở Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng) đã có truyền thống hàng trăm năm qua. Nét độc đáo của nghề rèn nơi đây là kỹ thuật lựa chọn phôi thép, cách tôi (luyện) thép và bí quyết riêng của từng hộ gia đình tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt. Nghề rèn đem lại phần nào thu nhập cho người dân địa phương và là nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo.
Đến với ẩm thực Cao Bằng bạn có thể được thưởng thức các đặc sản như: Vịt quay 7 vị, bánh trứng kiến, hạt dẻ Trùng Khánh, rau dạ hiến, xôi trám Cao Bằng, bánh áp chao, bánh khảo,…
Bắc Kạn
Điểm dừng chân tiếp theo là Bắc Kạn, nơi có vô số các danh lam thắng cảnh được hình thành từ thiên nhiên như các hang động, hồ nước ngọt và rừng nguyên sinh.
- Hồ Ba Bể: Thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, nơi đây là một địa danh nổi tiếng và được UNESCO công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới. Với vai trò điều tiết nguồn nước cho những khu vực xung quanh, hồ Ba Bể được người dân gọi là trái tim xanh của của Vườn quốc gia Ba Bể.
- Vườn Quốc gia Ba Bể: Là một trong những Vườn Quốc gia trong hệ thống rừng đặc dụng, một khu du lịch sinh thái của Việt Nam với trung tâm là hồ Ba Bể. Nơi đây có tính đa dạng cao sinh học cao với 1.268 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có loài bị đe dọa toàn cầu như: Nghiến, kim giao… Khu hệ động vật phong phú với 81 loài thú, 322 loài chim, 44 loài bò sát lưỡng cư, 106 loài cá, trong đó có nhiều loài bị đe dọa toàn cầu như : Voọc đen má trắng, Rái cá thường, Beo lửa, Vạc hoa…
- Động Puông: Là một điểm du lịch đặc sắc không thể bỏ lỡ. Động nhỏ nằm bên dòng sông Năng, du khách khi tham quan sẽ di chuyển bằng thuyền và sử dụng đèn pin, ánh đèn kết hợp vỡi thạch nhũ trong đông sẽ tạo nên một không gian huyền ảo.
- Động Nàng Tiên: Được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia, nằm sâu 60m dưới lòng núi với những khối nhũ đá tự nhiên tạo nên không gian huyền bí và tráng lệ. Du khách đến đây không chỉ được tham quan mà còn được nghe những chuyện xưa truyền lại.
- Đèo Gió, Ngân Sơn: Con đèo này sở hữu độ cao lên tới 800m so với mực nước biển. Nơi đây quanh năm bao trùm trong sương lạnh, tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo, huyền hồ như ẩn chứa những điều kỳ diệu. Đứng trên đỉnh đèo, nhìn xuống dưới, bạn vừa có thể cảm nhận được độ cao của đèo, vừa cảm nhận được sự rộng lớn của thiên nhiên trong cái huyền huyễn lạ thường của cảnh sắc.
Những món ngon độc đáo bạn nên thử khi đến Bắc Kạn: Tôm chua Ba Bể, cá nướng Ba Bể, rau sắng, miến dong Na Rì, lạp xưởng hun khói, bạn coóc mò, bánh Pẻng phạ (bánh trời),…
Lạng sơn
Tiếp tực hành trình vi vu Đông Bắc chúng ta sẽ đến với Lạng Sơn – Xứ sở của những thung lũng có núi cao đẹp, là xứ núi non hùng tráng mang nặng nghĩa tình gắn bó Việt – Tày – Nùng trong lịch sử.
- Ải Chi Lăng: Là vùng đất địa linh nhân kiệt và rực rỡ chiến công ở miền biên ải phía Bắc của Tổ quốc. Với địa thế hiểm yếu, ải Chi Lăng được coi là bức tường thành của kinh thành Thăng Long trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh khét tiếng từ phương Bắc tràn sang.
- Chợ Đông Kinh: Thuộc Phai Vệ, Vĩnh Trại, Thành phố Lạng Sơn, là trung tâm mua bán lớn nhất thành phố. Chợ gồm 3 tầng, tầng 1 bán đồ điện tử, tầng 2 bán hàng tạp hóa, tầng 3 bán hàng thời trang. Trong lịch sử đô thị cổ Lạng Sơn khu vực chợ Đông Kinh thuộc “Bạc dịch trường Vĩnh Bình” vốn là nơi trao đổi thương mại của thương gia hai nước Việt – Trung.
- Đỉnh Mẫu Sơn: Đây là một nơi lý tưởng để tìm kiếm những ngày xả hơi với không khí rất trong lành và thiên nhiên phóng khoáng, tạo cảm giác gần gũi và thư thái.
- Núi Phai Vệ: Di tích khảo cổ học núi Phai Vệ hiện thuộc phường Vĩnh Trại, có vị trí trung tâm, phía Đông thành phố Lạng Sơn. Nơi đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết cổ sinh vật.
- Núi Tô Thị: Trên đỉnh núi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu có tảng đá tự nhiên giống hình người phụ nữ bồng con nhìn về phương xa. Nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Nhị, Tam Thanh, truyền thuyết về Nàng Tô Thị đã đi vào tâm khảm của dân tộc Việt Nam thiên nhiên đã tạo ra hình tượng người mẹ ôm con đứng chờ chồng trên đỉnh núi cao như một biểu tượng của lòng thuỷ chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam. Trải qua bao năm tháng, do tác động của thiên nhiên và con nguời, di tích này đã bị hủy hoại. Tỉnh Lạng Sơn đã cho dựng lại như nguyên bản để gìn giữ một di tích đã đi vào tình cảm của người dân Việt Nam.
- Thành Nhà Mạc: Dấu tích còn lại của thành gồm 2 đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi, tuy được gia cố, trùng tu, nhưng vẫn giữ được dấu vết hoang phế điêu tàn, để khi đứng trong bóng tịch dương nhìn ngắm phong cảnh có một chút bâng khuâng nghĩ về lối xưa xe ngựa.
- Thảo nguyên Đồng Lâm: Thuộc xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, có diện tích 100 ha, nổi tiếng bởi thảm cỏ tươi tốt, hồ trong xanh, nằm giữa những vách núi hùng vĩ. Đồng Lâm mùa đẹp nhất khi nước cạn, làm lộ những bán đảo xanh. Mùa này thảo nguyên rộng bát ngát, cây cối cũng đâm chồi nảy lộc nhiều sức sống. Đặc biệt hiện thời tiết mát mẻ, thích hợp để cắm trại, hoạt động ngoài trời.
- Đền Mẫu Đồng Đăng: Tọa lạc tại thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn. Trong dân gian lưu truyền, đền Mẫu chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh (một trong Tứ bất tử) và Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan), sau khi ông đi sứ từ Trung Quốc trở về. Tục truyền, Liễu Hạnh là con gái Ngọc Hoàng, tên là Quỳnh Hoa, do có duyên nợ với trần gian nên bà thường hiển linh giúp đỡ người dân nên được triều đình (thời Hậu Lê) sắc phong là công chúa Liễu Hạnh và phong làm Thượng đẳng Phúc thần.
- Đền Bắc Lệ: Đến nay, tuy trải qua nhiều lần tu bổ nhưng ngôi đền vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính. Đền là nơi lưu giữ một số di vật cổ và thêm các hiện vật mới được cung tiến. Hiện nay, ở đền có 19 pho tượng lớn nhỏ chủ yếu bằng chất liệu gỗ, nhiều y môn sặc sỡ treo trên các lối đi có hai văn bia và nhiều hoành phi câu đối.
- Đền Kỳ Cùng: Là ngôi đền chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử vùng biên xứ Lạng. Hiện nay, kiến trúc của đền đã có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Với lễ hội đền Kỳ Cùng hằng năm, đây là biểu tượng tâm linh không thể thay thế của người dân Lạng Sơn.
Một chuyến đi đầy đủ là phải có cả những trải nghiệm về ẩm thực, đến với Lạng Sơn hãy thử thưởng thức những món ăn sau nhé: Bánh cuốn trứng, phở chua, nem nướng Hữu Lũng, bánh áp chao, vịt quay, khâu nhục,…
Thái Nguyên
Tạm biệt Lạng Sơn để tiếp tục chuyến đi đến với “Thủ đô ngàn gió” – Thái Nguyên và những đồi chè xanh mướt.
- Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam: Được xây dựng vào năm 1960, là một trong 7 bảo tàng quốc gia của Việt Nam. Hiện nay hệ thống trưng bày của Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam đã hoàn chỉnh với hệ thống 5 phòng trưng bày được xây dựng trên cơ sở nhóm ngôn ngữ kết hợp với văn hóa vùng, giới thiệu bản sắc văn hoá 54 tộc người gắn với cảnh quan môi sinh từng vùng cư trú.
- Đồi chè Tân Cương: Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 10km về phía Tây Nam, tập trung chủ yếu ở 3 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu. Đồi chè Tân Cương có diện tích trồng chè trải rộng hơn 1.300 ha. Nơi đây đẹp hoàn mỹ bởi cảnh sắc, mây, trời một màu xanh trắng hòa quyện. Tất cả mọi nơi đều ngập tràn trong sắc xanh tươi mát của cỏ cây, của đồi chè nên khi tới đây tâm hồn bạn sẽ cảm thấy khoan khoái hơn.
- Động Linh Sơn: Thuộc xã Linh Nham, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Động thu hút khách du lịch với nhiều cảnh quan tự nhiên kỳ thú do nhũ đá tạo thành, như những chùm san hô, hình voi chầu, hổ phục, kỳ lân, sư tử… Cùng nhiều cảnh đẹp mê hồn như động Thuỷ Tiên, buồng Tiên nữ và đặc biệt là đôi rồng vờn mây uốn lượn trong một thế giới huyền ảo của nhũ đá thiên nhiên.
- Hang Phượng Hoàng: Thuộc huyện Võ Nhai, Phượng Hoàng là một hang động cacxtơ rộng lớn và có vẻ đẹp kỳ lạ. Từ cửa hang động có thể bao quát hết quang cảnh cả vùng đất rộng lớn. Hai vòm cửa hang rộng và cao hàng chục mét.Trong hang không khí trong lành, mát rượi. Đáy hang có nước trong veo, lại có những bờ cát trắng mịn ven bờ nước. Trong lòng hàng, rất nhiều những nhũ đá được thiên nhiên tạo thành những cột chống trời, mẹ bồng con, vũ nữ, voi chầu… rất đẹp.
- Hồ Núi Cốc : Nằm cách trung tâm thành phố 16km về phía tây, hồ Núi Cốc là một thắng cảnh thiên nhiên gắn liền với câu chuyện tình huyền thoại về chàng Cốc nàng Công. Hồ Núi Cốc là một trong những địa điểm du lịch làm nên thương hiệu cho nền du lịch Thái Nguyên.
- Khu di tích ATK Định Hóa: Nằm địa phận các xã Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên, Bảo Linh, Đồng Thịnh, Quy Kỳ, Kim Phượng, Bình Thành và thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chọn đặt căn cứ chỉ huy cuộc kháng chiến từ năm 1946 đến 1954. ATK Định Hóa hôm nay trở thành điểm đến hấp dẫn ở tỉnh Thái Nguyên, hằng năm thu hút hàng triệu du khách đến tham quan và tưởng niệm một thời hào hùng của dân tộc.
Những đặc sản khi du lịch Thái Nguyên bạn có thể thưởng thức cũng mua về làm quà: Chè Tân Cương, bánh chưng Bờ Đậu, nem chua Đài Từ, cơm lam Định Hóa, bánh ngải,…
Truyên Quang
Dù chưa có những bứt phá mạnh mẽ về du lịch như các tỉnh lân cận nhưng Tuyên Quang vẫn có rất nhiều các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa cổ xưa đặc biệt văn hóa tâm linh mà bạn không nên bỏ lỡ.
- Cây đa Tân Trào: Khác với những cây cổ thụ lâu năm thường mang ý nghĩa tâm linh và được người đời thờ cúng, cây đa tân Trào mang ý nghĩa lịch sử to lớn. Tại nơi này vào ngày 16 tháng 8 năm 1945 thì Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân Lệnh số 1 để làm lễ xuất quân tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội,bên cạnh đó cây đa Tân Trào còn có ý nghĩa to lớn về ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất khi đã cùng lịch sử Việt Nam trải qua bao thăng trầm để có thể vững vàng được như bây giờ.
- Cọc Vài Phạ: Thuộc địa phận xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang, Cọc Vài Phạ nổi tiếng với truyền thuyết về chàng Tài Ngào đắp đập ngăn nước cho dân bản và cũng là một địa danh sơn thủy hữu tình, cuốn hút con người vào một hành trình khám phá vô cùng lí thú đầy hấp dẫn.
- Đền Hạ: Tọa lạc tại Chiến Thắng Sông Lô, P. Tân Quang, Tuyên Quang, đền Hạ là ngôi đền lâu đời ở đây cùng nhiều câu chuyện lịch sử đi theo năm tháng và được trùng tu vào năm 1878 và cũng là đợt trùng tu lớn của đền. Năm 1991 đền được công nhận là Di tích văn hóa cấp Quốc gia và đến tận bây giờ nơi đây vẫn là địa điểm du lịch tâm linh được ưa thích mỗi khi đến với Tuyên quang.
- Đền Thượng: Nằm ở xóm 14, xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang , Đền Thượng hay còn gọi là đền Mẫu Thượng thờ Ngọc Lân công chúa. Nơi đây được coi là nơi linh thiêng vào thời triều đình nhà Lê và được người dân thờ cúng cho đến bây giờ. Nét kiến trúc và những nét trang trí ở trong ngôi đền đều có Tứ linh và Tứ quý cùng với những hình ảnh truyền thống của nước ta thời xưa.
- Hồ Na Hang: Được mệnh danh là Vịnh Hạ Long giữa đạ ngàn, Hồ Na Hang đánh cắp trái tim du khách ngay từ lần đầu gặp mặt với vẻ đẹp trong trẻo, trữ tình. Một ngày đẹp trời đến nơi đây thật sớm đón ánh bình minh, ngồi trên thuyền xuôi theo dòng sông để có thể ngắm nơi đây một cách chân thật và bình di nhất, khi những ánh nắng đầu tiên chiếu rọi nơi đây cũng là khi mà người dân chuẩn bị cho một ngày mới với bao công việc tất bật.
- Thác Bản Ba: Nằm tại khu vực núi Phiêng Khàng, Trung Hà, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, Thác Bản Ba là nơi được chọn mặt gửi vàng để đi du lịch xóa bỏ cái nóng ngày hè của người dân nơi đây lẫn du khách ghé thăm hay những vặp vợ chồng đến chụp ảnh cưới. không cảnh nên thơ, lãng mạn với dòng nước trong xanh, thanh mát cùng ngọn đồ vững chãi làm điểm tựa. Khi ánh mặt trời chiếu rọi xuống nơi đây thật giống như tiên cảnh.
- Thác Mơ: Thuộc thị trấn Na Hang, Na Hang, Tuyên Quang, Thác Mơ hay còn được gọi là thác Pác Ban tựa như cô sơn nữ giữa chốn tiên cảnh tại Na Hang hùng vĩ, “ cô sơn nữ” xinh đẹp đương độ tuổi cập kê với vẻ đẹp rực rỡ nhất. Được che phủ bởi hệ thực vật nơi đây, nguồn nước tại thác Mơ trong vắt, thanh mát, không mùi không vị được người dân nơi đây sử dụng để sinh hoạt cho đến hôm nay.
- Suối khoáng Mỹ Lâm: Khu du lịch Mỹ Lâm là điểm thu hút du khách khi đến với Tuyên Quang. Nằm ở trên ngọn đồi nên bạn vừa có thể ngâm mình trong suối nước nóng, vừa có thể ngắm cảnh quan nơi đây từ trên cao. Những dịch vụ tại Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm có thể kể đến tắm suối nước nóng, tắm bằng thảo mộc, và một số dịch vụ vui chơi khác.
Gợi ý cho bạn một số món ăn nên thử một lần khi đến với Thành Tuyên: bánh nếp kiến trứng, mắm cá ruộng Chiêm Hóa, thịt lợn đen, ngô nếp Soi Lâm, rượu ngô Na Hang,…
Phú Thọ
Phú Thọ được coi là vùng đất tổ cội nguồn của dân tộc ta. Nơi đây có nhiều danh lam, thắng cảnh hấp dẫn khiến cho bao nhiều phượt thủ phải mê mẫn. Dưới đây là một số điểm đến để bạn có thể tham khảo
- Ao Giời Suối Tiên: Thuộc xã Quân Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Cảnh quan du lịch Ao Giời – Suối Tiên bắt nguồn từ trên núi Nả, chảy qua các khe đá, hình thành dải lụa trắng bạc, vắt ngang sườn núi, nổi bật giữa màu xanh mượt mà của núi rừng, lẫn vào màu xanh của mây trời, làm cho cảnh trí càng sinh động, kỳ ảo, cảnh tượng vừa gần gũi, vừa sâu thẳm, vừa rõ ràng, vừa huyền bí thơ mộng làm xao xuyến lòng người. Du khách tham quan tại nơi đây hoàn toàn có thể tắm, ngâm mình trong các thác nước. Cùng bạn bè gia đình thưởng thức vẻ đẹp hoang vu của nơi đây. Tiếng chảy của nước, tiếng chim hót, tiếng người nô đùa khiến không khí thêm vui tươi. Dòng nước mát, trong lành khiến cho bạn không khỏi thích thú. Tắm ở đây khiến tâm trạng ai cũng khoan khoái hơn.
- Khu di tích Đền Hùng: Được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc địa phận thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đây là di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng của quốc gia. Khu di tích bao gồm có 4 đền: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng. Đền Hùng không chỉ là một danh lam thắng cảnh đẹp mà còn là là một di tích lịch sử – văn hóa đặc biệt quan trọng đối với người Việt Nam. Đến với Đền Hùng là chúng ta đang về với cội nguồn của dân tộc, để tự hào và nhắc nhở ta về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
- Đền Mẫu Âu Cơ: Không chỉ là công trình lịch sử văn hoá đặc biệt mà hơn thế nữa đền còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Đền nằm bên dòng sông Thao thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà (Phú Thọ) và được xây dựng dưới thời Hậu Lê. Ngôi đền không đồ sộ, hùng vĩ nhưng thứ mang lại sự thích thú cho du khách đó là về mặt nghệ thuật. Khách tham quan có thể tìm thấy ở đây nhiều di vật như tượng Tổ Mẫu Âu Cơ, tượng Đức Ông Đột Ngột Cao Sơn hay các bức chạm tinh tế trên cửa võng, xà ngang, diềm chung quanh cửa thượng cung. Hiện nay, đền chính có bố cục theo kiểu chữ Đinh với ba gian hậu cung và năm gian đại bái.
- Đồi chè Long Cốc : Nằm trên địa phận huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cách Hà Nội khoảng 125km. Đây được đánh giá là một trong những đồi chè đẹp nhất Việt Nam. Đồi chè Long Cốc khi được nhìn từ trên cao xuống, một khung cảnh đẹp như tranh vẽ với những quả đồi xanh mướt mờ mờ ảo ảo sau những đám mây khiến du khách cảm nhận như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh.
- Làng cổ Hùng Lô: Nằm bên dòng Lô giang thơ mộng, làng cổ Hùng Lô (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) là điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bởi nét cổ kính, kiến trúc độc đáo của ngôi đình hơn 300 năm tuổi, những ngôi nhà cổ, làng nghề truyền thống, lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các phong tục tập quán của cư dân Việt thuở xưa. Đến thăm Đình Hùng Lô, du khách không chỉ được nghe những điển tích lịch sử để thêm hiểu, tự hào về truyền thống, nguồn cội mà còn được xem biểu diễn và cùng trải nghiệm chương trình “Hát Xoan làng cổ” với đủ ba chặng hát: Hát nghi lễ, hát quả cách, hát hội. Nơi đây còn là một trong những điểm di tích đầu tiên triển khai chương trình “Hát Xoan làng cổ”, một sản phẩm du lịch độc đáo và đặc trưng của tỉnh.
- Tân Sơn: Là một huyện vùng núi của tỉnh Phú Thọ đa dạng về truyền thống dân tộc, nền văn hóa đặc sắc và ẩm thực phong phú. Nơi đây có rất nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn và nổi tiếng đang chờ bạn khám phá với khung cảnh thiên nhiên cực kỳ tươi đẹp, các món ngon và địa điểm vui chơi và nét văn hóa đặc trưng. Đến Tây Sơn bạn có thể tham quan vườn quốc gia Xuân Sơn, Bản Cỏi, du lịch Hang Lạng,…
- Vườn quốc gia Xuân Sơn: Là một danh lam thắng cảnh thuộc địa phận xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, vườn quốc gia với diện tích trên 10.000 ha và 314 loài thực vật bậc cao thuộc 115 họ trong đó có 52 loài thuộc ngành quyết và hạt trần, cùng hàng trăm loài động vật, trong đó có khoảng hơn 190 loài động vật có xương sống trên cạn. Ngoài sự thu hút của hệ động thực vật phong phú và đa dạng, Vườn Quốc gia Xuân Sơn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như Suối Lấp, Suối Thang, thác nước, hang động… Xuân Sơn được coi là tiềm năng du lịch tự nhiên nổi trội nhất của Phú Thọ.
Những đặc sản nổi tiếng vùng đất Tổ phải kể đến như: Cọ om, thịt chua, xôi cọ, trám om kho cá, rau sắn, bánh tai…
Bắc Giang
Điểm dừng chân tiếp theo hãy cùng Góc Nhìn khám phá vùng đất được mệnh danh là “Đệ nhất Kinh Bắc” – Bắc Giang
- Chùa cổ Bổ Đà: Tọa lạc ở bờ phía Bắc sông Cầu, trải dài chừng 2km bao bọc hai thôn Tiên Lát Thượng và Tiên Lát Hạ của xã Tiên Sơn, Chùa Bổ Đà là trung tâm Phật giáo lớn của Bắc Giang thuộc thiền phái Trúc Lâm. Nơi đây có tượng thờ Trúc Lâm tam tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), vì thế tại đây các vị tổ sư khai trường thuyết pháp đào tạo nhiều tăng đồ. Chùa Bổ Đà còn là nơi sản xuất vũ khí của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp.
- Chùa Đức La: Chùa nằm trên một quả đồi thấp, sau lưng là dãy núi Cô Tiên, thuộc xã Trí Yên huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Hơn 7 thế kỷ trôi qua, chùa Đức La vẫn là một trung tâm Phật giáo lớn, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước. Nhiều kệ ván in kinh vẫn còn, là hiện vật minh chứng cho vai trò quan trọng của chùa, từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm.
- Đình Thổ Hà: Mằm giữa thôn Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đình Thổ Hà là một trong số ít những ngôi đình có ghi niên đại rõ ràng trên thành phần kiến trúc. Theo các văn bia và trên một số cấu kiện của kiến trúc có ghi thì đình Thổ Hà được khởi dựng vào năm 1685.
- Hồ Cấm Sơn: Thuộc địa phận xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Tân Sơn và Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, Hồ Cấm Sơn giống như một bức tranh thiên “sơn thủy hữu tình”, khi tới đây, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn những dãy núi cao, nhưng hàng cây xanh mướt đang in bóng xuống mặt hồ phẳng lặng, điểm thêm là hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, nhấp nhô giữa mặt hồ tạo cảm giác giống như bạn đang sống trong một Hạ Long thu nhỏ ở mảnh đất Bắc Giang vậy.

- Làng Rượu Vân Hà: Thuộc làng Vân Xá, xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang, rượu làng Vân nức tiếng xa gần, được chọn để dâng tiến vua. Rượu làng Vân chẳng những tiếng tăm vang lừng khắp Kinh Bắc, mà còn được “vua biết mặt, chúa biết tên”, trong đó Bảo Đại – vị Hoàng đế An Nam cuối cùng ưa thích, ban cho bốn chữ Vân hương mỹ tửu.
- Rừng Nguyên Sinh Khe Rỗ: Nằm trong Khu bảo tồn Tây Yên Tử, cách Hà Nội 120 km về phía Đông Bắc. Cảnh sắc của Khe Rỗ rất hoang sơ và thú vị với những tán rừng rậm rập, những suối nước, thác nước, ghềnh đá. Đặc biệt là những hồ nước nhỏ trong xanh giữa rừng, nơi bạn có thể bơi lội hay tắm mát thỏa thích.
- Thành Cổ Xương Giang: Mằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Qua bao thăng trầm của lịch sử, di tích Thành cổ Xương Giang đã chỉ còn lại một vài vết tích, song vị trí và hình hài khu Thành cổ vẫn được lưu giữ nguyên vẹn trong tâm trí của từng người con đất Bắc Giang. Sự hiện hữu của khu di tích hôm nay chính là biểu tượng sức mạnh, tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam.
Những món ăn được nhiều du khách yêu thích khi đến Bắc Giang: Vải Thiều, bánh đúc Đồng Quan, gà đồi Yên Thế, mì chũ, bánh đa Thổ Hà, chè kho Mỹ Độ, bánh vắt vai, rượu làng Vân,…
Quảng Ninh
Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi Đông Bắc chính là Quảng Ninh, một nơi vốn đã nổi tiếng với du khách gần xa. Với địa hình phong phú, đa dạng từ đồng bằng, đồi núi, đảo, trung du, và biên giới. Đây được mệnh danh là một nước Việt Nam thu nhỏ với đa dạng địa hình, nét văn hóa dân tộc.
- Bãi Cháy: Là bãi biển rộng nhất thành phố Hạ Long, trải dài hơn 1000m và rộng hơn 100m thu hút du khách bằng một vẻ đẹp tuyệt vời với dòng nước trong xanh và bờ cát trắng. Hàng thông dọc theo bờ biển kéo dài tít tắp, đem lại không khí trong lành và thư giãn. Chiêm ngưỡng hoàng hôn, bình minh thơ mộng bên bờ biển sẽ đem đến cho du khách sự thoải mái, bình yên đến lạ thường. Ngoài ra tại đây du khách có thể trải nghiệm một số hoạt động vui chơi thú vị như picnic, thuê xe đạp đi trên bờ biển, ô tô lướt sóng, thuê diều, các dịch vụ ăn uống đa dạng vô cùng độc đáo.
- Bãi biển Trà Cổ Móng Cái: Là một trong những đường bờ biển dài nhất (15km) và đẹp nhất của Việt Nam. Nơi đây không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ mà còn chứa đựng nét đẹp văn hóa độc đáo. Vì thế biển Trà Cổ Móng Cái Quảng Ninh được xem là “dấu gạch nối” – nơi giao thoa của đất trời và những tinh hoa văn hóa dân tộc.
- Bán đảo Tuần Châu: Nằm cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 2km với diện tích lên đến 400ha, đây là điểm du lịch chưa bao giờ giảm sức hút với du khách cả trong nước quốc tế. Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Tuần Châu là từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, khi tiết trời dễ chịu, mát mẻ, rất thuận lợi cho du khách vui chơi, nghỉ dưỡng và khám phá.
- Bãi Dài Vân Đồn: Nơi đây là một trong những bãi biển có tên trong danh sách các bãi biển đẹp của khu vực phía Bắc, Bãi Dài, Vân Đồn hấp dẫn du khách bởi sự hoang sơ và thơ mộng mà nhiều bãi biển khác hiện nay không còn nữa…Với bờ biển thoai thoải dài cát trắng mịn và làn nước trong xanh có thể nhìn thấu tận đáy. Đến đây vào dịp hè, du khách có thể tản bộ dọc bờ biển để vừa nghe tiếng sóng vỗ rì rào vừa ngắm bức tranh đậm nét tự nhiên của Vịnh Bái Tử Long.
- Bình Liêu: Là một huyện đồi núi của Quảng Ninh và có cửa khẩu nối với Trung Quốc. Chắc hẳn ai đến đây lần đầu sẽ nghĩ đây là một tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc bởi địa hình chủ yếu là núi cao. Nằm cách thành phố Quảng Ninh 108km, Bình Liêu là một điểm đến đang được khai thác, ở đầy du khách sẽ được hòa mình với rừng núi bạt ngàn thoang thoảng hương hồi, hương quế.
- Huyện đảo Cô Tô: Là huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc Tổ quốc. Nơi đây mê hoặc du khách với thiên nhiên hùng vĩ, bãi biển cát trắng trải dài, những bãi đá trầm tích hoang sơ kỳ vĩ, những con đường đi bộ ngay kề bên cánh rừng nguyên sinh và không khí mát lành, dễ chịu. Không chỉ vậy, hải sản Cô Tô còn nức tiếng tươi ngon, người dân chân tình mến khách, không gian lãng mạn hay những hoạt động giải trí sôi động đều có ở đây. Đến với Cô Tô, du khách sẽ có được kỳ nghỉ đáng nhớ, trọn vẹn.
- Chùa Ngọa Vân: Đây là nơi mà Đức Trần Nhân Tông đã tu hành và là nơi Đức Hoàng Trần Nhân Tông đã hóa Phật. Một điểm du lịch đậm chất sử thi với giá trị văn hóa tâm linh tuyệt vời. Người ta còn ví nơi đây như “thánh địa” của Phật Giáo Trúc Lâm, đó là lý do vì du khách nhất định phải dành thời gian ghé thăm điểm du lịch này.
- Chùa Yên Tử: Nằm ở độ cao 1068m, ngôi chùa gây ấn tượng với du khách bởi lối kiến trúc độc đáo. Chùa Yên Tử mang đậm kiến trúc Phật giáo cổng tam quan hai tầng tám mái. Đứng uy nghi với mái chùa được lợp ngói vảy uốn cong hình đầu đao hướng thẳng lên trời. Tất cả các cột ở chùa đều được làm bằng gỗ lim chắc chắn. Dưới chân có phiến đá lớn bao quanh.
- Đảo Mắt Rồng (Đảo Bái Đông): Vốn có tên là hòn Bái Đông, nằm ở rìa phía Nam của Vịnh Hạ Long, gần khu vực tiếp giáp với vịnh Lan Hạ. Trên đảo có một bãi tắm uốn mình vòng cung như hình trăng khuyết với bãi cát trắng trải dài. Đứng trên bãi cát, bạn sẽ cảm nhận được khung cảnh hoang sơ, hùng vĩ pha chút sợ hãi khi trước mặt là biển cả mênh mông, xung quanh 3 hướng đều là núi đá sừng sững, cây cối um tùm mọc đan xen vào nhau trên các tảng đá rêu mốc.
- SunWorld Hạ Long: Nằm tại thành phố di sản Hạ Long, Sun World Ha Long Park đang trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trong nước ghé thăm tại khu vực miền Bắc. Đây có thể nói là một quần thể vui chơi giải trí hàng đầu Việt Nam với tổng diện tích lên tới 214 ha. Sunworld Ha Long Park là tổ hợp công viên vui chơi mang đẳng cấp quốc tế bao gồm 2 khu vực chính: tổ hợp vui chơi giải trí ven biển và tổ hợp vui chơi trên đỉnh Ba Đèo được kết nối bởi hệ thống cáp treo Nữ Hoàng độc đáo. Hệ thống trò chơi hiện đại, đẳng cấp cùng với không gian kỳ vĩ của Vịnh Hạ Long chắc chắn sẽ mang tới cho du khách những trải nghiệm không thể nào tuyệt hơn.
- Vịnh Hạ Long: Điểm đến chắc chắn phải ghé khi du lịch Quảng Ninh. Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ, một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới. Nơi đây đã được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Vẻ đẹp của vịnh Hạ Long được tạo nên từ 3 yếu tố: đá, nước và bầu trời. Với diện tích khoảng 1.553km2, vịnh bao gồm 1.969 hòn đảo. Phần lớn là đảo đá vôi và hệ thống hang động phong phú. Cảnh quan của vịnh Hạ Long vô cùng đặc sắc với những đảo đá muôn hình vạn trạng, hòa quyện với trời biển như bức tranh thuỷ mặc kỳ vĩ, tráng lệ.
Những món đặc sản nên thử khi ghé thăm Quảng Ninh: Chả mực giã tay, sá sùng, bánh gật gù, bún bề bề, nem chạo, cà sáy, ruốc lỗ, ngán.
Khép lại hành trình vi vu Đông Bắc, cùng chờ xem vùng đất kế tiếp Góc Nhìn dẫn bạn đi là nơi nào nhé.
Nguồn: Tổng hợp
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!