Có người sẽ nghĩ là học vấn, lập gia đình, có con cái, có người yêu…Nhưng thật ra đó lại là cái chết. Cái chết là một phần của sự sống, một khi chưa hiểu rõ cái chết, ta chưa thể hiểu hết được cuộc đời. Vì…
Cuộc sống này không có gì chắc chắn ngoài cái chết
Ngoài kia người ta mở rất nhiều trường học dạy cách để sống, nhưng chưa thấy trường nào dạy về cái chết. Đâu ai biết rằng mình sẽ chết khi nào. Có người mới gặp đó, hôm sau đã ra đi. Khi không biết rõ về cái chết, chúng ta sẽ luôn hoang mang và sợ hãi về nó, rồi chọn cách trốn chạy, không dám nhắc về nó thay vì đối diện và tìm hiểu. Khi chết đi thì ta như thế nào, sẽ mang theo được những gì và để lại những gì?
Hôm đi Làng Mai về, mình bệnh nằm nhà gần 2 tuần. Người mệt nên chẳng thiết tha làm gì ngoài coi phim. Thấy poster phim Lighting up the Stars trên Netflix, mình linh cảm đây là một bộ phim hợp gu nên click vào xem. Không ngờ phim hay ngoài mong đợi. Phim liên quan rất nhiều đến cái chết nhưng dưới một góc nhìn hết sức bình thản và đôi khi trào phúng, kể về những người làm nghề mai táng.
Vai chính là anh chàng Mạc Tam Muội khoảng 33-35 tuổi (ngoài đời thì bạn diễn viên này cũng tầm tuổi đó), đang bước vào mid-life crisis. Mình thấy với nam giới, độ tuổi này quan trọng lắm. Người đàn ông vừa ở đỉnh cao của sức khỏe, đủ va vấp và trải qua nhiều thăng trầm và đến lúc anh ta cần tìm ý nghĩa thực sự của cuộc đời để có thể tiếp tục sống quãng đời còn lại một cách ý nghĩa. Có người vượt qua được khủng hoảng, nhưng cũng có người không may mắc kẹt lại, đành sống như một cái xác không hồn.
Crisis của Tam Muội là khi anh này vừa mới ra tù xong thì phát hiện bạn gái đã có người đàn ông khác. Anh này lại là con trai duy nhất trong gia đình nên phải nối nghiệp của dòng họ là nghề mai táng. Tam Muội bị bố bắt ép là phải chứng tỏ được năng lực để nối nghiệp, không thì phải ra đường với bàn tay trắng. Vừa mới ra tù, vừa bị người yêu phản bội, vừa đứng trước thử thách của nghề nghiệp nhưng lại không có bất kỳ một điểm tựa nào từ tinh thần cho đến vật chất.
Trước khi xem phim này, mình có một cảm giác không hay lắm với những người làm nghề mai táng. Bên trong mình có một ý nghĩ là “chắc họ không biết làm gì khác nên phải chọn nghề này”. Nhưng sau khi xem cách mà ông bố của Tam Muội truyền nghề lại cho con trai thì mình mới cảm nhận được sự thiêng liêng của công việc đưa người ta về nơi yên nghỉ.
Đoạn phim hay nhất, theo mình, chính là lúc Tam Muội phải lắp ráp lại thi thể của người đàn ông (là tình địch của anh) bị tai nạn giao thông làm thi thể biến dạng thành từng mảnh. Lúc này người bố đứng sau đọc từng “câu thần chú” giúp anh nhớ lại những bài học đã được bố dạy từ lúc còn nhỏ khi bước vào nghề. Đây chính là bài thi tốt nghiệp khó nhất trong nghề mà Tam Muội phải trải qua và phút giây xuất thần này đã giúp anh trở thành một con người hoàn toàn khác. Hoá ra nghề mai táng cũng cần rất nhiều công phu đầu tư, học hỏi và nhất là cái tâm của người làm.
“Đời người như một cuốn sách, ai cũng phải lật đến trang cuối cùng. Có cuốn sách kết thúc bằng dấu chấm câu, có những cuốn sách chỉ có mỗi dấu chấm lửng. Đời người không còn gì lớn lao hơn cái chết. Danh vọng tiền tài chỉ là mây bay mà thôi. Làm cái nghề của chúng ta phải có trái tim của thánh nhân.” (Trích lời của ông bố Tam Muội lúc trên giường bệnh)
Nghề chọn người là hoàn toàn đúng. Không tự dưng mà bạn làm giáo viên, hoạ sĩ, kỹ sư hay chụp ảnh…tất cả đều là nhân duyên. Làm nghề chính là trải nghiệm mà chúng ta cần phải có để bức tranh làm người được hoàn thiện từng phần. Nên hãy quan sát tâm mình thật kỹ mỗi khi nó xuất hiện một ý nghĩ khinh thường nghề nghiệp của bất kỳ ai đó. Chẳng có gì là tầm thường trong cuộc sống này cả. Làm lao công để học bài học phục vụ nhân sinh, làm giáo viên để học bài học trồng người…ai cũng có nhiệm vụ phải hoàn thành.
Tình thương mang đến ý nghĩa cho cuộc sống
Trong lúc Tam Muội đang ở tận đáy của khủng hoảng thì Tiểu Văn, một bé gái khoảng 6-7 tuổi, bằng một cách nào đó đã bước vào cuộc sống của anh và làm nó thay đổi hoàn toàn. Tiểu Văn làm cho Tam Muội phát hiện ra bản năng làm bố tiềm ẩn trong con người mình. Cảm giác được yêu thương, chăm sóc một ai đó làm cuộc sống người ta ý nghĩa hơn, như một cái cây được tưới nước, như bông hoa được đón ánh nắng mặt trời.
Đoạn phim làm mình khóc nhiều nhất là lúc Tam Muội trả Tiểu Văn về cho mẹ ruột. Mình vô cùng đồng cảm với tâm trạng mâu thuẫn, dằn xé của anh này. Lý trí bắt Tam Muội phải trả con, còn trái tim thì bảo là phải giữ lại. Nên khi xe vừa chở Tiểu Văn đi thì anh liền thức tỉnh. Cuộc sống này đâu phải lúc nào cũng cần đúng sai. Đúng làm gì khi con tim phải tan nát thành ngàn mảnh. Người lớn mới thích đúng sai rồi tự làm mình khổ chứ trẻ con thì luôn biết nghe theo trái tim, đói thì ăn, khát thì uống và chỉ đi theo ai thương mình. Chỉ vài ngày sau, Tiểu Văn tự trốn nhà mẹ ruột tìm về với Tam Muội, đứa nhỏ này đã giúp anh thực sự là một người đàn ông trưởng thành.
Mình thích cách làm phim như vầy, đạo diễn chỉ cần kể những câu chuyện nhỏ bằng một niềm đam mê lớn, diễn viên từng trải và diễn xuất tuyệt vời. Mọi thứ vừa vặn, nhẹ nhàng, khiến người xem phải tự nhìn lại cách sống của chính mình.
Hãy dành ra một ngày cuối tuần thong thả, nên xem một mình để thích khóc thì khóc, thích cười thì cười, chẳng sợ mắc cỡ. Còn xem chung thì cần những người bạn tâm giao.
Bài viết của Facebooker Tâm Bùi
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!