Ngày 21/2, một ngày ảm đạm đè nặng lên trái tim biết bao phụ huynh tại thành phố Hồ Chí Minh khi xuất hiện thông tin một nữ học sinh trường trung học phổ thông Quận 4 đã nhảy lầu tự tử. Em quyết định từ bỏ cuộc sống, từ bỏ ước mơ và cả những hy vọng khi chỉ vừa tròn 16.
Ngày 1/4, cả dư luận Việt Nam bàng hoàng trước sự việc một nam sinh cấp 3 nhảy từ tầng 28 chung cư xuống đất tại quận Hà Đông (Hà Nội). Bỏ lại những trang vở trắng còn dang dở, bỏ lại sự ngỡ ngàng của người cha ngay phía sau, em chấp nhận chọn cách đau đớn nhất để chấm dứt sự sống của mình…
Ngày 30/6, chúng ta một lần nữa chết lặng khi đọc thông tin, một bạn sinh viên năm 3 tại thành phố Thủ Đức vì quá áp lực với việc học tập và các vấn đề cá nhân nên chọn cách tự tử trong căn phòng trọ cô đơn và lạnh lẽo. Bạn đã sống bao lâu trong sự cô đơn của tâm hồn để rồi khi ra đi, vẫn là sự cô đơn đến hiu quạnh dành cho bạn và cả người mẹ yêu thương bạn hết lòng nơi quê nhà…
Những sự việc đau thương liên tục diễn ra khiến chúng ta phải lặng mình mà nhìn nhận lại môi trường giáo dục và cả cách chúng ta đang dạy dỗ các bạn học sinh hiện nay. Chúng ta có đang thực sự quan tâm và thấu hiểu các bạn? Chúng ta liệu có đang cho các bạn cơ hội được sẻ chia và cất lên tiếng nói của chính mình? Và bao giờ thì các bạn học sinh của chúng ta có thể đủ kỹ năng mềm để tự bảo vệ và vực dậy chính bản thân mình thay vì tìm đến những giải pháp tiêu cực như thế?
Câu chuyện của trách nhiệm lúc này lại dấy lên như một vấn đề nhức nhối mãi chưa thể tháo gỡ của ngành giáo dục Việt Nam. Nhà trường đổ lỗi cho gia đình vì thiếu sự quan tâm. Gia đình lại quy kết trách nhiệm lên nhà trường vì cho rằng người dạy dỗ trực tiếp các em chính là giáo viên. Điều chúng ta nói tới ở đây không phải câu chuyện ai đúng ai sai, cũng không phán xét và đổ dồn trách nhiệm lên bất cứ cá nhân nào. Chúng ta cần sự kết nối và đồng hành từ cả hai phía. Phụ huynh không thể khoán trắng trách nhiệm giáo dục con cái cho riêng nhà trường!
Giáo dục học sinh là một hành trình lâu dài và đầy thách thức, trong đó, chỉ mình nhà trường là không đủ để hỗ trợ và phát triển toàn diện một con người ở cả mặt kiến thức và kỹ năng.

Nhà trường luôn có khung giáo án và khuôn khổ chương trình cố định
Nhà trường là nơi chịu trách nhiệm chính trong việc giáo dục các bạn học sinh từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, việc giáo dục tại nhà trường chủ yếu tập trung ở kiến thức nền tảng và luôn phải theo sát khung giáo án chung từ Bộ giáo dục. Theo đó, học sinh và giáo viên phải đi theo một khuôn khổ chương trình nhất định nhằm đạt đúng tiến độ các kỳ kiểm tra, thi cử cũng như các kế hoạch nghỉ Tết, hè… Khung giáo án thống nhất rằng tháng 6 thi cuối kỳ thì cả giáo viên và học sinh luôn phải “chạy” chương trình để kịp đúng tháng 6 là thi học kỳ, không thể khác đi được. Điều đó chứng tỏ, nhà trường không có nhiều thời gian và cơ hội để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các giờ học phát triển kỹ năng hoặc có cơ hội chia sẻ với từng bạn học sinh cụ thể. Việc học ở trường vẫn được đánh giá dựa trên mặt bằng chung của các lớp học là chủ yếu.
Giáo viên được đào tạo kiến thức chuyên môn, không mạnh về nền tảng kỹ năng
Dù được đào tạo bài bản và được kiểm duyệt chất lượng đầu vào gắt gao, tuy nhiên, giáo viên chủ yếu vẫn chỉ được đào tạo về kiến thức chuyên môn và các kỹ năng sư phạm cơ bản để quản lý lớp học. Họ không có sự am hiểu thấu đáo về các kỹ năng mềm, kỹ năng sống để có thể trực tiếp hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện đúng như mong đợi của các bậc phụ huynh. Tại các trường sư phạm, chúng ta thấy có rất nhiều ngành đào tạo chuyên môn như sư phạm toán, sư phạm văn, sư phạm anh… nhưng các lớp sư phạm kỹ năng thì gần như vắng bóng.
Cơ sở vật chất bị giới hạn
Những năm trở lại đây, các cơ sở giáo dục được quan tâm và nâng cấp liên tục. Nhưng việc xây dựng và cải thiện vẫn nhằm mục đích chính là nâng cao chất lượng học tập trong các giờ học chính khóa. Nghĩa là, các lớp học hầu như không có các thiết bị hay công cụ để hỗ trợ việc giảng dạy và thực hành các kỹ năng thực tế như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng diễn thuyết… Đó là chưa kể, các khu vực trường học ở nông thôn, miền núi, những nơi mà điều kiện học tập cơ bản đôi khi còn khó khăn thì việc đòi hỏi các thiết bị, công cụ hỗ trợ học các kỹ năng sống là điều gần như không thể.
Giáo dục gia đình là giáo dục nền tảng mang tính chất quyết định

Gia đình là trường học đầu tiên và cũng là môi trường ảnh hưởng mạnh nhất đến thói quen, tư tưởng và nhận thức của các bạn học sinh. Để giúp một đứa trẻ hình thành được kỹ năng mềm chẳng hạn như kỹ năng thuyết trình lưu loát, kỹ năng giải quyết các vấn đề cá nhân thì buộc gia đình phải luôn có sự quan tâm, động viên và tạo điều kiện để con được học hỏi thực tế. Kỹ năng vốn không phụ thuộc quá nhiều vào một cuốn giáo trình cụ thể, mà cần cả một quá trình, cần môi trường, cơ hội để giúp các em có được sự trải nghiệm từng ngày, cần cả những tấm gương và nguồn động lực to lớn từ phía gia đình.
Các kỹ năng mềm cần các cơ sở chuyên nghiệp đào tạo bài bản
Kỹ năng mềm đang dần trở thành một kỹ năng thời đại mà mỗi chúng ta buộc phải thành thạo chỉ sau tiếng Anh. Các kỹ năng mềm không chỉ tác động trực tiếp đến lối tư duy, cách phát triển bản thân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến các cơ hội học tập và nghề nghiệp trong tương lai.
Nhưng khác với các kiến thức hàn lâm, kỹ năng mềm nếu muốn học tốt thì bắt buộc các bạn học sinh phải được đào tạo bài bản, được rèn luyện trong một môi trường chuyên nghiệp và có nhiều cơ hội thực tế để thực hành. Chúng ta không đánh giá kỹ năng qua các kỳ thi như quá trình học kiến thức trên lớp, mà đánh giá qua việc học hỏi và nắm bắt các cơ hội phát triển bản thân và nghề nghiệp trong tương lai. Chính vì thế, phải luôn có một môi trường thực tế để trau dồi và phát huy kỹ năng cho các bạn học sinh.
Đó là chưa kể, học các kỹ năng vốn không phải điều dễ dàng. Đơn cử như khi học về kỹ năng thuyết trình thì không đơn thuần chỉ là việc đứng trước đám đông để chia sẻ về một chủ đề kiến thức nào đó. Thuyết trình là một công cụ, một nghệ thuật để tận dụng triệt để cả về kiến thức, kỹ năng sân khấu, ngôn ngữ cơ thể đến việc kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Một bài thuyết trình hoàn hảo là một bài thuyết trình tổng hòa được nhiều yếu tố xuất phát từ bên trong người nói. Đó cũng chính là lý do mà Học viện Kỹ năng VTALK – cơ sở đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng thuyết trình hàng đầu tại Bình Phước đang nỗ lực hết mình để mang tới cho học sinh nơi đây những cơ hội được học hỏi từ chính thực tế đời sống.
Khi vấn nạn tự tử học đường hay áp lực học tập, áp lực chia sẻ tuổi mới lớn trở thành nỗi đau nhức nhối không chỉ của các bậc phụ huynh mà còn của toàn ngành giáo dục nước nhà, chúng ta kỳ vọng vào những đổi thay.
Chúng ta kỳ vọng vào một môi trường cởi mở để lắng nghe và chia sẻ.
Chúng ta kỳ vọng vào những cơ hội thực tế để các bạn học sinh được tự mình dấn thân, tự vấp ngã và tự vực dậy chính mình.
Chúng ta kỳ vọng vào sự đồng hành và hợp tác của cả gia đình và nhà trường trong việc nuôi dạy và giáo dục kỹ năng cho con cái.
Chúng ta kỳ vọng vào một thế hệ được yêu thương và phát triển lành mạnh.
Chúng ta kỳ vọng và chúng ta cùng hành động!
Bài viết thể hiện góc nhìn của Nguyễn Thị Ngọc
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!