Mình vừa đọc bài viết Ai cũng đầu tư, Gen Z chỉ “sống bằng lương nghĩ gì?” trên Kênh 14. Thật ra việc có nhiều hơn một nguồn thu nhập không còn quá xa lạ trong xã hội hiện nay, khi ngày càng nhiều người muốn sớm được tự chủ tài chính hay nghỉ hưu. Đặc biệt, trong bối cạnh lạm phát tăng cao, rủi ro về dịch bệnh, giá cả leo thang… việc có nhiều hơn một nguồn thu nhập hẳn sẽ là những nguồn dự phòng quý báu cho chúng ta.
Nhưng với các bạn Gen Z – thế hệ vừa “ùa vào đời” đã phải hứng chịu cơn “bão giá”, việc chỉ có 1 nguồn thu nhập liệu có gây khó khăn cho họ không?
Kênh 14 đã phỏng vấn 3 Gen Z để hiểu hơn về điều này:
- Nguyễn Thị Thảo, 25 tuổi, đang làm vị trí Customer Service cho một công ty Logistics tại Hà Nội.
- Trương Hà Phương, 23 tuổi, nhân viên khai thác tàu, thu nhập 10 triệu đồng/ tháng.
- Hà Vy, 24 tuổi, làm trong 1 công ty truyền thông với mức thu nhập 15 triệu đồng/ tháng.
Mình lựa chọn việc chỉ có 1 nguồn thu nhập
Nhiều người cho rằng có 2-3 nguồn thu nhập như kim chỉ nam của cuộc sống thì đâu đó vẫn có những người quyết định chỉ làm 1 công việc với 1 nguồn thu nhập duy nhất. Trương Hà Phương chính là một người như vậy, cô bạn muốn lựa chọn 1 công việc mà nó đáp ứng được nhu cầu của bản thân chẳng hạn như có lộ trình thăng tiến rõ ràng, niềm yêu thích với công việc, có thể dành thời gian được cho bản thân không,…
“Bản thân mình thích cuộc sống ổn định của một người phụ nữ mà sau này vừa có thể lo cho công việc vừa có thời gian dành cho gia đình và bạn bè, nên việc có thêm nhiều công việc 1 lúc khiến thời gian dành cho bản thân trở nên ít đi. Cho nên đây là yếu tố chủ quan, do mình hướng tới như vậy”.
Còn đối với Hà Vy, việc chỉ có 1 nguồn thu nhập là bởi vì công việc hiện tại của cô bạn quá bận rộn. Hà Vy chia sẻ rằng, do yếu tố làm ngành truyền thông, thường xuyên phải làm ngoài giờ và luôn có mặt sẵn sàng nên gần như không có thời gian để nhận thêm công việc bên ngoài. “Mình cảm thấy khá thoả mãn với mức thu nhập hiện tại, do nó có thể giúp mình chi trả những chi phí cần thiết mà vẫn có thể để dành ra 1 khoản tiền tích luỹ”.
Cũng giống Hà Vy, bởi tính chất công việc cần phải tập trung xử lý ở mức độ cao, hạn chế sai sót, do vậy Thảo Nguyễn cảm thấy đảm nhận 1 công việc là phù hợp với bản thân mình. Cô bạn cũng chia sẻ rằng, do mới chuyển sang lĩnh vực mới, cần tập trung toàn thời gian cho công việc mới. Khi nào ổn định hơn, có lẽ sẽ nhận thêm việc từ công ty để tăng thu nhập vì đây cũng là định hướng từ sếp.
Bão giá như hiện tại, chỉ có 1 nguồn thu nhập khá rủi ro
Thời gian gần đây, bão giá đang ập đến với tất cả mọi ngành hàng. Tuy nhiên cùng với đó, tình trạng thất nghiệp hay bị giảm thu nhập do hoạt động kinh doanh không tốt bị ảnh hưởng bởi lạm phát cũng đang xảy ra rất nhiều.
“Trong thời kỳ kinh tế lạm phát như hiện nay, nếu mức lương không đảm bảo được đời sống cơ bản thì thật sự, cuộc sống với những người thu nhập từ một nguồn có rất nhiều khó khăn. Theo đó, người lao động bị phụ thuộc vào mức lương, không chủ động được kinh tế. Nhất là đối với các bạn mới ra trường như mình, mức lương còn chưa cao, chỉ tính riêng chi phí thuê trọ, ăn uống, sinh hoạt tại Hà Nội cũng khó đảm bảo được đời sống”, Thảo Nguyễn chia sẻ.
Bên cạnh đó, Hà Phương cũng đồng tình với quan điểm 1 nguồn thu nhập sẽ khiến cuộc sống khá “bấp bênh” trong thời điểm hiện. Trong trường hợp đó, để giảm thiểu rủi ro, công việc đang làm cần đáp ứng mức lương đúng theo nhu cầu của bản thân và vẫn có thể giải quyết các vấn đề như giá cả leo thang, lạm phát,… hoặc các vấn đề khác phát sinh (bao gồm cả các khoản dự trữ).
Thảo Nguyễn cũng từng bị rơi vào cảnh bị giảm thu nhập nên hiểu rõ rủi ro trong việc chỉ có 1 nguồn thu nhập. Tình hình Covid năm ngoái 2021 toàn thành phố Hà Nội giãn cách 1 thời gian, công việc của Thảo cũng bị ảnh hưởng. Giảm lương, giảm nhân sự, cộng với áp lực công việc, cô bạn đã lựa chọn về quê 1 thời gian. Trong khoảng thời gian đó, Thảo không có thêm một khoản thu nhập nào, chi tiêu tiết kiệm lại và dùng cả vào số tiền tiết kiệm của bản thân.
“Qua đó, thấy không có nguồn thu nhập thụ động nào khác ngoài lương, hay công việc kiếm tiền linh hoạt khác thì rất khó khăn. Bất kể ai mà chỉ có 1 nguồn thu nhập bị rơi vào cảnh này, mình nghĩ cũng rất khó khăn, áp lực”.
Cái gì cũng có 2 mặt
“Khi có 1 nguồn thu nhập đúng là đang đẩy mình mấp mé sự rủi ro. Tuy nhiên, với tần suất làm việc như hiện tại, mình không có khả năng và đủ sức lực làm thêm việc ngoài. Bên cạnh đó, mình nghĩ với sự cố gắng của bản thân, mình hoàn toàn tự tin có thể giữ được công việc và có công việc tốt kể cả trong thời kỳ bão giá”, Hà Vy tự tin chia sẻ.
Hà Phương cho rằng có 1 nguồn thu nhập tức là tập trung làm 1 công việc cũng có rất nhiều ưu điểm. Chẳng hạn, công việc sẽ hiệu quả và đạt được nhiều thành công hơn và nếu làm tốt còn có thể kiếm được thêm từ công việc mình đang làm, hoặc thăng tiến hơn so với vị trí hiện tại. Bên cạnh đó, là giảm căng thẳng, áp lực khi vẫn có thời gian dành cho bản thân, gia đình và bạn bè.
Cuối cùng, Thảo Nguyễn muốn gửi gắm rằng, “Trong bối cảnh ngày nay, chỉ sống nhờ 1 nguồn thu nhập là hợp lý khi bạn biết thời điểm đó bạn cần làm như thế. Cần tập trung làm việc, trau dồi kiến thức, làm chủ tình hình để đảm bảo được đó là đòn bẩy vững chãi giúp bạn phát triển hơn, linh hoạt hơn khi có cơ hội. Chỉ khi đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và thời điểm phù hợp, thì mình tin rằng có thêm nhiều nguồn thu nhập cùng lúc là rất có khả năng. Hãy luôn có mục tiêu riêng mình, để thực hiện, cố gắng ắt sẽ thành công”.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!