Nhân chuyện có mấy cô cởi quần áo như một món ngon miễn phí nhìn ngắm trên đường phố mừng bóng đá VN vô địch, nhiều bạn đã chạy theo quan sát không sót chi tiết nào rồi ném clip lên mạng với những lời phê phán nặng nề nhất có thể.
Có nghĩa nhìn cứ nhìn, chửi cứ chửi.
Chuyện thứ hai là khi có một nhãn hàng mới ra mắt, hoặc nhãn hàng danh tiếng giảm giá, nhiều bạn trẻ xếp hàng rồng rắn chờ mua đã bị báo chí canh từng góc cạnh, sơ hở để cho ra những bức ảnh tồi tệ về nhân cách.
Nếu bạn đi Singapore vào những ngày ra mắt Iphone sẽ thấy dòng người xếp hàng còn kinh khủng hơn, Sin là một dân tộc mê Iphone, nó trái với nguyên tắc dân tộc tính, quốc dân hóa tiêu dùng quen thuộc của người Sin, nhưng sẽ không có bài báo nào tương tự như ở VN.
Hoặc trong những sự kiện thể thao ở Mỹ, hay có những người cởi hết chạy băng ra sân. Cảnh sát áp giải ra khỏi sân, bị phạt vi cảnh nhưng sẽ không có bài báo kiểu dạy đời hoặc làn sóng chỉ trích ném đá nào trên MXH.
Đó là sự văn minh, cộng đồng tôn trọng các sở thích, khuynh hướng cho dù dị biệt của cá nhân.
Nhưng những sai trái của quan chức chính phủ, chức sắc tôn giáo sẽ bị truy đến tận cùng và các tòa soạn cũng như cá nhân sẵn sàng chịu tù tội vì mục tiêu như vậy để bảo vệ các giá trị cộng đồng, Hong Kong như đang diễn ra là đơn cử.
Sự hung dữ, sân si của người Việt trên mạng là không thể chối bỏ, nó gần như là sự bùng phát ẩn ức nào đó.
Như phiên tòa xử ly hôn, chia tay sản , quyền định đoạt của Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo có nhiều tình tiết rất hay về pháp lý, xã hội, nữ quyền, nhân tình thế thái.Những nhà báo theo dõi phiên tòa có thừa khả năng để nắm bắt điều đó nhưng lại điều hướng vecter công luận vào hướng đầy sân si, công kích cá nhân qua những hành vi của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, biến ông thành một nhân vật dở điên dở khùng trong mắt công chúng , hay trích dẫn những phát ngôn sơ suất của bà Thảo biến bà thành một phụ nữ tham lam, đầy âm mưu ; sự thật không phải vậy.
Báo chí đã quái thai hóa sản phẩm của mình để phục vụ sân si công chúng, biến nó thành những cơn cuồng nộ bổ vào cặp vợ chồng vốn đã bất hạnh này.Báo chí muốn làm cho công chúng hài lòng, một thứ hài lòng của thời đại kỹ thuật số.
Osho tiên niệm “Những thứ mà bạn gọi là hài lòng thực chất không mang lại hạnh phúc.Chúng chỉ làm giảm bớt căng thẳng do các ham muốn gây ra”.
Vũ – Thảo có những thứ mà công chúng không có, tiền bạc, danh vọng, vị trí xã hội…báo chí kích thích sự hả hê cho đám đông bằng cách khai thác tối đa sự bất hạnh của họ, thế là công chúng hài lòng “người giàu cũng khóc”, “giàu mà không bình yên, có khi còn thua mình”.
Báo chí cũng bắt đầu lây nhiễm thói xấu của MXH (không phải là thuộc tính cơ bản), tấn công kẻ “rơi vào yếu thế, không có khả năng chống trả” như đánh không mỏi tay những quan chức vừa bị xử lý, những bài báo đó như là sự lập lại của bản thông báo, không có gì mới, thay vì những cuộc điều tra công phu về những quan chức đương quyền có tai tiếng.
Nguồn: Hoang Linh
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!