Trước ý kiến thu thuế bất động sản thứ hai hoặc tăng các loại thuế đánh vào mua bán bất động sản để hạn chế nạn đầu cơ, thổi giá đất, không ít người cho rằng nên tăng nguồn cung hơn là nghĩ đến chuyện thuế! Nhưng tăng nguồn cung nào và liệu điều đó có khả thi? Ts Hồ Quốc Tuấn cho rằng “Thực tế cho thấy ở nhiều quốc gia phát triển, việc đóng thuế tài sản không đồng nghĩa với việc chặn được tình trạng đầu cơ và giá nhà tăng phi mã. Muốn hạ nhiệt đầu cơ nhà thì yếu tố cốt yếu là phải tăng nguồn cung, giãn dân ở những đô thị đông đúc, mà muốn làm được điều này thì phải cố gắng đầu tư hạ tầng nhanh hơn, nhiều hơn để người dân có thể sống được ở nơi khác mà cũng có thể đi làm ở trung tâm”

Tôi đồng ý với ông Tuấn về những điều trên. Tuy nhiên hiện nguồn cung ở những thị trường bđs hàng đầu VN như HN hay TPHCM không thiếu mà chỉ thiếu phân khúc dành cho người có nhu cầu thật, các gia đình cần chỗ ở phù hợp và đủ khả năng. Ngược lại phân khúc hạng sang và nhất là bđs nghỉ dưỡng hoặc ra liên tục hoặc đang thừa mứa.
Chỉ riêng tại TPHCM, năm 2021, trong tổng số 14.443 căn nhà đã không còn căn hộ bình dân (0%), ngược lại có đến 10.404 căn nhà cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm 73,98%, còn lại là nhà ở trung cấp, chiếm 26,02% tại thị trường TP.HCM! Còn bsđ nghỉ dưỡng với biệt thự biển và nhất là condotel đang ế ẩm hàng chục ngàn căn và chưa biết bao giờ giải phóng tạm ổn đống hàng tồn này. Đấy là chưa kể hàng trăm ngàn nền đất phân lô từ Bắc chí Nam ào ạt gần cả năm qua chủ yếu để mua đi bán lại, đầu cơ với nhau và hầu như không đóng góp gì cho nhu cầu nơi ở đúng nghĩa của dân chúng.

Như vậy nguồn cung bđs không thiếu, chỉ thiếu ở phân khúc mà người dân cần nhất, Nhà nước muốn phát triển nhất. Chiều ngược lại, chủ đầu tư phác lớn không mặn mà phân khúc này vì lời ít, bán không chạy bằng bđs hạng sang và thủ tục rườm rà, rắc rối. Dân đầu cơ cũng ít ai nhắm đến phân khúc ấy mà chủ yếu đổ vào thị trường đất nền hoặc bđs cao cấp. Với tâm lý như thế, thực tế như vậy thì nguồn cung càng ngày càng thiếu cho số đông chẳng có gì lạ.
Muốn giải quyết căn cơ tình trạng trên thì việc thu thuế bđs thứ hai hay bđs chủ yếu để mua đi bán lại, đầu cơ để đó kiếm lời cần được giải quyết bằng công cụ thuế. Chẳng mấy ai còn hào hứng đổ xô đi phân lô hay mua bán nền hoặc mua những căn hộ 5-7 tỷ, biệt thự hàng chục tỷ để đó chờ thời kiếm lời nếu bị thu thuế cao. Thị trường cũng sẽ hạ nhiệt dần bởi giới có tiền, dân đầu cơ thấy nơi họ đang đổ tiền không còn hấp dẫn. Chủ đầu tư cũng vậy, miếng bánh bớt hấp dẫn thì có lẽ ít hào hứng đổ công của vào đấy. Thay vào đó căn nhà hay bđs thứ nhất sẽ được chú trọng cho nhu cầu thật của số đông hơn.
Không ai dám chắc việc đánh thuế bđs có làm giá nhà đất giảm hay không, nhưng chắc chắn nếu với mức thuế phù hợp sẽ tác động đến những nhà đầu tư muốn mua thêm bất động sản. Khi đó, chỉ có những người có nhu cầu thật mới mua thêm nhà đất. Với những người mua thêm nhà đất để đầu tư hay đầu cơ họ phải tính toán lợi nhuận tạo ra phải lớn hơn hoặc lớn hơn rất nhiều so với tiền thuế phải đóng thì họ mới đầu tư. Việc của cơ quan nhà nước lúc đó là sẽ phải làm rõ người nào mua nhà để ở, người nào mua để kinh doanh. Thực tế cũng cho thấy không ít nước phát triển như Mỹ đã dùng thuế bđs hơn 200 năm để hạn chế đầu cơ, thổi giá nhà đất.
Đừng lo rằng đánh thuế bđs sẽ tác động xấu đến người có thu nhập chưa cao hay người có nhà. Thuế như nào và đánh ra sao, Nhà nước hoàn toàn có đủ công cụ, chính sách để thiết kế mức phù hợp. Có thể thuế từ căn nhà thứ hai, nhà đất không sử dụng hay nhà đất mua bán, giá trị cao trong thời gian ngắn. Một khi bđs dễ mua bán dễ kiếm lời và có bao nhiêu đi nữa cũng chỉ chịu thuế chuyển nhượng thì rất khó để ngăn nạn đầu cơ. Dù nguồn cung có tăng kiểu nào mà lệch về phía bđs cao cấp, hạng sang, đất nền mua đi bán lại mà thiếu nhà cho hàng chục triệu người có thu nhập chưa cao thì cực khó để thị trường bđs phát triển lành mạnh.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!