Cách đây khoảng 5 năm, lần đầu tiên mình nghe cái tên Măng Đen qua một người chị. Chị là chủ một quán ăn Nhật ở Saigon, tính tình hiền lành và luôn đối đãi với mọi người hết mực chân thành. Chị gửi tặng mình một ít quả rừng và một lọ hạt tiêu Măng Đen, kèm tờ giấy nhỏ dặn “khi nào stress, em mở lọ tiêu ra ngửi dễ chịu lắm”. Lúc ấy mình mới biết có một loại tiêu không cay xè đầu lưỡi mà có vị the, mùi vừa mát vừa ấm như tinh dầu chanh xả hoà lẫn với quế và hồi, dịu dàng chứ không nức mũi, và quả thực mang lại sự thư thái. Mình đã chẳng sử dụng lọ tiêu đó cho các món ăn vì thương lọ tiêu bé xíu nên để dành làm như chị dặn.
Chuyến đi lần này, ban đầu tụi mình định đi dọc biển vì mùa này biển lặng tắm biển sẽ thích lắm, nhưng hai đứa bàn tới bàn lui sao đó lại quyết định đi Măng Đen. Một trong những lý do vì cái tên Măng Đen gợi ký ức dễ chịu về tình cảm của người với người. Tin rằng, Măng Đen cũng dễ thương như chính cái tên của hắn!
“Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật,
Mùa con voi xuống sông uống nước…” (*)
Tháng 3, mùa thời tiết đẹp mộng mơ.
Măng Đen đón tụi mình bằng những con đường vắng vẻ với đồi núi và cánh đồng cỏ trải dài, rợp cánh bướm xanh bay bượn khắp không trung. Bình yên đến lạ lùng. Có lẽ nơi đây vốn dành cho những ai yêu thích vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Tụi mình có duyên gặp một bạn gái đang dựng mấy căn nhà gỗ để kinh doanh homestay. Bạn là người Cà Mau, từng làm việc ở Saigon mấy năm, sau này lỡ yêu Măng Đen quá nên quyết định dọn lên đây luôn. Bạn kể ở đây thưa người nhưng thi thoảng cũng gặp nhiều người thú vị ra trò. Vừa hôm nọ bạn ấy gặp hai bạn nam trong chuyến rong ruổi khắp Việt Nam của họ để trồng rừng. Cứ đi đến đâu thấy trồng được cây là hai người họ lại cặm cụi đào xới đất. Nhiều người nghe chuyện này chắc sẽ nghĩ họ là mấy người dở hơi, lo chuyện bao đồng. Nhưng tụi mình gặp nhiều trường hợp còn lạ lùng hơn nên toe toét miệng cười.
Ở Măng Đen đi đâu, làm gì? Tụi mình chẳng biết đâu. Thông thường, đến một nơi chốn mới, hai đứa thích dành thời gian chậm rãi cảm nhận trước đã, những lần sau sẽ khám phá chỗ này chỗ nọ.
Ngày thứ nhất, hai đứa đi lên đồi cao ngắm cảnh rồi chui vào một quán cafe nhỏ xinh, ngồi cả buổi chiều để ngắm cảnh. Cơn gió Tây Nguyên mơn man trên da thịt, len vào tâm trí còn chút ngỡ ngàng bởi khung cảnh vừa lạ lại vừa quen. Quen bởi Măng Đen cũng có không khí mát mẻ và màu xanh mướt mắt như Đà Lạt. Lạ bởi cái nắng, cái gió có phần ngây dại hơn và cỏ cây vẫn sống cuộc đời của riêng chúng hơn là tìm cách chuyển động sao cho hoà hợp với con người.
Ngày thứ hai, tụi mình dành buổi sáng đi tắm suối. Băng qua một chiếc cầu treo, đi bộ thong dong qua một trại nuôi ong, len theo con đường một lúc sẽ gặp con suối lớn. Không một bóng người, chỉ có bóng nắng in trên bãi cát mịn. Tiếng suối róc rách lẫn trong tiếng lá cây xào xạc. Chỉ vậy thôi mà hay hơn hẳn bất kỳ bản giao hưởng nào. “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao” (**). Có vẻ như hai đứa mình dù tuổi nào cũng dại. buổi chiều lang thang rồi ghé chợ mua ít thịt và rau củ để tối làm bữa BBQ. Muốn lãng mạn thì cứ lãng mạn thôi!
Măng Đen ở thì hiện tại không thể gọi là một điểm du lịch thu hút vì chẳng có gì nhiều nhặn ngoài một chút bình yên. Có lẽ nơi đây chỉ cần mãi là một chấm nhỏ bình yên trên bản đồ Việt Nam, một trạm dừng chân để ta thu xếp lại lòng mình và tiếp tục lên đường là đủ!
(*) Bài hát “Tháng 3 Tây Nguyên” – Văn Thắng
(**) Bài thơ “Cảnh nhàn” – Nguyễn Bỉnh Khiêm
Xem ảnh và bài viết gốc tại: Nhà Có Hai Người
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!