01
Minh Tinh Đại Trinh Thám – chương trình truyền hình nhập vai về phá án đình đám nhất của đại lục từng có một tập về chủ đề: lạm dụng tình dục ở trẻ em gái. Trong tập này, khách mời là nữ diễn viên Dương Dung đã nhập vai lễ tân tại một khách sạn. Cô là một cô gái nhạy cảm và mỏng manh, khi đối diện với chàng trai mà mình yêu, cô đã nói thẳng rằng bản thân “không xứng đáng”. Tất cả sự tự ti này đều xuất phát từ việc nữ lễ tân này từng bị lạm dụng và quấy rối khi còn nhỏ.
Bối cảnh nhân vật được đặt ra cho lễ tân Dương Dung là một bé gái được một người đàn ông nhận nuôi từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, người cha nuôi này lại giam cô trong một căn phòng bí mật và quấy rối tình dục cô.
Khi ấy, vì còn quá nhỏ, lễ tân Dung thậm chí không hiểu việc cha nuôi đã làm với mình là gì. Cũng vì quá nhỏ, cô cũng không đủ sức để mở cánh cửa tội lỗi nơi cha nuôi đã nhốt cô suốt 2 năm. Mãi cho đến một ngày, lễ tân Dung đọc được trường hợp tương tự trên báo, cô mới nhận ra mình đã phải chịu đựng điều gì những năm qua.
Trong tập này, cô không phải là cô gái duy nhất bị người cha nuôi kia xâm hại. Đối mặt với cô bé cùng cảnh ngộ với mình, lễ tân Dung ngày bé không biết nói gì hơn ngoài bảo đối phương rằng: “Sau này đừng mặc váy nữa. Nếu không mặc váy thì có lẽ chúng mình sẽ không gặp phải chuyện như thế này”.
Lễ tân Dung cho rằng tất cả những điều tồi tệ này xảy ra là vì các cô gái mặc váy. Và cô nghĩ đơn giản rằng chỉ cần không mặc váy thì có thể ngăn được bàn tay “ma quỷ” chạm vào mình.
Bạn thấy đấy, những đứa trẻ tốt bụng và ngây thơ không hiểu được sự tàn nhẫn của thế giới, nhưng có đôi khi chúng lại phải tự tìm lý do cho chính mình khi bị tổn thương.
02
Trong cuộc sống, chúng ta thường đọc được những bình luận như thế này:
Bị quấy rối trên đường đi làm về: “Gớm, ai bảo ra đường mặc váy cho ngắn, mặc thế khác nào mời gọi đàn ông. Lỗi của ai thì tự biết!”
Gặp hại khi đi taxi muộn: “9 giờ tối không chịu về nhà mà còn lang thang ngoài đường. Con gái con đứa như vậy thì có gì mà kêu ca?”
Uống say bị xâm hại: “Cái kiểu con gái ăn uống đàn đúm với cả đám đàn ông chắc cũng chẳng ra gì. Có uống thì cũng biết đường uống với bạn là con gái chứ?”
Nhận được tin nhắn gạ gẫm: “Chắc bình thường toàn đăng ảnh sexy các kiểu nên người ta mới trêu. Mà không thích thì block ngay từ đầu đi, cứ nói qua nói lại giờ ăn vạ cái gì?”
…
Đủ kiểu bình luận nhưng đều hướng đến mục đích ám chỉ với các cô gái là nạn nhân: dù sao thì đấy cũng là lỗi của bạn, nếu không thì tại sao bạn thành nạn nhân mà người khác không sao hết.
Trong Angels Wear White, sau khi một cô bé 12 tuổi bị tấn công tình dục, điều đầu tiên mẹ cô bé làm là xé nát tất cả những bộ váy của cô bé trong cơn thịnh nộ, và sau đó là cắt bỏ một bên mái tóc của cô bé.
Trong Kim Ji-young: Born 1982, nữ chính cũng bị quấy rối trên xe bus lúc còn là sinh viên. Cô nhờ bố mình giúp đỡ nhưng những gì cô nhận được chỉ là một câu từ bố rằng: “Con gái không nên mặc váy ngắn như thế”.
Trong A Murderous Affair in Horizon Tower, Chung Mỹ Bảo – chủ một tiệm cafe bất ngờ bị sát hại vào một đêm khuya mất điện. Vì vẻ đẹp của cô, cảnh sát gần như khẳng định chắc chắn rằng nguyên nhân cái chết của cô có liên quan đến chuyện tình cảm. Về việc điều tra xem Chung Mỹ Bảo có thực sự bị xâm hại hay không, có người cho rằng vấn đề thuộc về Chung Mỹ Bảo, thậm chí nói cô… đáng bị như thế. Suy cho cùng, ai bảo cô đẹp, ai bảo cô được đàn ông mê.
“Đàn ông phạm tội, đàn ông làm tổn thương người khác. Nhưng sau hầu hết mọi người cứ đổ lỗi cho phụ nữ?”, nhân vật Dương Nhị Sâm trong phim đã thốt ra câu hỏi có lẽ là câu hỏi chung của rất nhiều người.
Cốt truyện tương tự cũng xuất hiện trong bộ phim truyền hình Twenty Your Life On. Nhân vật La Diễm mặc váy dài đi xe bus vẫn bị quấy rối, những tưởng sẽ được mẹ an ủi nhưng không, cái kết cô vẫn bị mẹ mình trách vì ăn mặc phản cảm. Chiếc váy bình thường trong mắt nhiều người bỗng hóa thành lý do một cô gái đáng bị tấn công.
Nhưng La Diễm đã lập tức phản bác lại. Cô nói: “Dù tôi có hở tay, hở chân hay thậm chí hở lưng, hở ngực thì đó cũng là quyền tự do ăn mặc của tôi, chứ không phải là lý do cho người khác phạm tội. Tôi không có lỗi, lỗi là ở những kẻ biến thái kia”.
Trên thực tế, những câu chuyện như vậy không chỉ xuất hiện trên phim mà đều được cải biên từ chính hiện thực. Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân đã, đang và vẫn luôn tồn tại sâu trong tiềm thức của rất nhiều người.
Đơn cử như chính vụ Ngô Hoàng Anh – nhân vật trẻ nhất trong danh sách Under 30 của Forbes Việt Nam năm nay bị tố gạ tình nhiều nữ sinh 15-17 tuổi trong quá khứ chẳng hạn. Vụ việc diễn ra cách đây nhiều năm, năm 2020 các nạn nhân mới lần đầu lên tiếng sau 2 năm và tới nay, một lần nữa mọi thứ được lật lại.
Nhiều cư dân mạng khi nghe đến dòng thời gian cũng như đọc được tin nhắn qua lại giữa nạn nhân và Ngô Hoàng Anh đã không ngần ngại đưa ra những comment như: “Sao bị gạ gẫm như thế mà vẫn nói chuyện mãi?”/ “Sao không block ngay mà cứ đùa qua đùa lại?”/ “Đọc tin nhắn thấy rõ ràng bạn nữ kiểu ngầm đồng tình, chẳng tỏ thái độ rõ ràng gì nên bạn nam kia mới nói chuyện tiếp mà”/ “Sao im lặng suốt 2 năm trời tự nhiên lại lôi ra, thấy người ta nổi tiếng nên kiếm chút sự chú ý à?”…
Có lẽ nhiều người đã quên mất sự thật rằng căn nguyên của tội ác luôn thuộc về hung thủ chứ không phải nạn nhân. Việc mù quáng tìm kiếm điểm yếu của nạn nhân nữ và đổ lỗi cho họ vì không biết bảo vệ bản thân sẽ chỉ giúp kẻ phạm tội tiếp tục nhơn nhơn bên ngoài mà không chịu bất kì sự trừng phạt nào, thậm chí trong trường hợp xấu nhất là sẽ còn xuất hiện những nạn nhân tiếp theo.
03
Còn nhớ năm 2019, tại quận Molenbeek tại Brussels, Bỉ từng diễn ra một triển lãm vô cùng đặc biệt mang tên “What were you wearing” (Bạn mặc gì vào hôm bị xâm hại?). Nội dung của cuộc triển lãm là trưng bày 18 bộ trang phục từ các nạn nhân của nhiều vụ tấn công tình dục. Mục đích của buổi triển lãm là nhằm đập tan định kiến của mọi người về việc bị xâm hại hay không phần nhiều do cách ăn mặc của phụ nữ.
Xuất hiện trong triển lãm, bạn sẽ thấy rằng những nạn nhân đều là những người hết sức bình thường, quần áo của họ cũng là những trang phục bình thường và họ đã cư xử theo cách bình thường vào ngày gặp hại nhưng cuối cùng họ lại phải chịu đựng những tổn thương phi thường.
Tại đây, họ lặng lẽ trả lời câu hỏi khó quên trong cuộc đời mình: Bạn đã mặc gì vào ngày bị tấn công tình dục?
“Một cái váy hè. Nhiều tháng sau đó, mẹ tôi đứng trước tủ quần áo của tôi và phàn nàn rằng vì sao tôi không mặc váy nữa. Khi đó tôi mới 6 tuổi…”
“Tôi đã phải nghỉ làm vài ngày sau khi vụ việc xảy ra. Sau đó tôi lấy hết dũng cảm để kể chuyện với sếp của mình và sếp tôi cũng đã hỏi câu tương tự. Tôi trả lời: ‘Tôi chỉ mặc áo phông, quần thể thao bình thường. Chơi bóng rổ còn mặc được trang phục nào khác ư?’. Tôi đã nghỉ việc ngay hôm sau và không bao giờ quay lại đó nữa!”
“Tôi mặc một chiếc áo sơ mi denim và quần jeans. Mỗi lần tôi kể chuyện này cho người khác, người đó đều tỏ ra rất ngạc nhiên, thậm chí họ không hiểu tôi nói gì khiến tôi chỉ muốn cười!”
…
Có một điều khá lạ lùng là mỗi khi sự cố xảy ra, một số người luôn có xu hướng tập trung vào lỗi sai của nạn nhân. Nhưng đối với nạn nhân, tâm lý về loại tổn thương thứ cấp này có khi còn gây day dứt và ám ảnh hơn việc họ từng bị quấy rối, xâm hại dù bằng hình thức nào.
Dần dà, với những người yếu lòng, chính họ sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: “Đó thực sự là lỗi của tôi ư? Tôi đã làm gì sai? Có lẽ đó thực sự là lỗi của tôi rồi. Đáng ra tôi không nên mặc như vậy, đáng ra tôi không nên tiếp chuyện người đó, đáng ra tôi nên block anh ta ngay từ đầu, đáng ra tôi nên im lặng chịu đựng…”.
Nhưng rốt cuộc các cô gái có lỗi gì?
Đáp án là họ chẳng có lỗi gì cả. Họ mặc ra sao, họ nói những gì, họ ra đường vào thời điểm nào…, tất cả đều là quyền của họ. Chính những người áp đặt định kiến lên họ, những người suy đoán ác ý về họ mới có lỗi. Đương nhiên, kẻ cầm đầu gây ra vụ việc, thủ phạm của hành vi quấy rối dù ở mức độ nào, dù dưới hình thức nào, từ lời nói, câu chữ cho đến hành động vẫn là kẻ sai nhất.
Các cô gái à, bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi hay tự ti vì trở thành nạn nhân. Chiếc váy của bạn vô tội, lứa tuổi của bạn vô tội, giới tính của bạn vô tội, sự thiện lương, tốt bụng, ngây thơ của bạn cũng vô tội, đáng trách ở đây là thủ phạm và những người tiếp tay cho thủ phạm một cách gián tiếp đẩy bạn vào vòng tự trách mà thôi.
Ảnh minh họa: Tổng hợp
M416
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!