Sinh ra và gắn bó với mảnh đất Sài Gòn, Dương nói Sài Gòn bây giờ khác với sự đơn sơ của những năm 1990 nhiều lắm.
“20 năm trở lại đây, Sài Gòn phát triển rất nhanh…”, Dương thấy nhớ, thấy mất đi gì đó.
Yêu và tiếc nuối về một Sài Gòn đã cũ, Dương lần lượt cho ra đời các ca khúc tưởng chừng như viết về Sài Gòn, nhưng thật ra là ký ức tuổi thơ anh.
“Ngày đó bức hình chẳng dễ dàng
Thế nhưng hình bóng Tết chưa hề tan…” – Ca khúc Tết những năm 90.
“Dù chỉ có máy phim chưa có máy kỹ thuật số, để có được một tấm hình rất khó, nhưng hình ảnh, màu sắc về ngày Tết xưa cứ in mãi trong tôi”, anh trải lòng.
Hay trong Nhà tôi, anh kể hồi ức sống bên con hẻm gập ghềnh, bắn bi, chơi lò cò cùng lũ bạn, tối đến cả nhà quây quần quanh chiếc tivi đen trắng… Với ca khúc Về là mơ ước của anh thăm lại phố xưa, nhà cũ, thưởng thức những món ăn dân dã một thời.
Sài Gòn của thực tại dù khác nhưng cho Dương cơ hội, chén cơm và cả ngày hôm nay của anh. Chàng trai 9X tự hào khi nơi mình sống là đầu tàu kinh tế cả nước.
Càng yêu thương, anh càng xót xa cho niềm kiêu hãnh mình đã đặt vào khi Sài Gòn gặp biến cố lớn nhất trong 35 năm qua – đại dịch Covid-19.
“0h ngày 31/5 thành phố lệnh giãn cách, song chỉ mới 16h chiều 30/5 đường xá đã vắng tanh như đêm 30 Tết. Nhưng 30 Tết người dân về quê chỉ vắng người, còn lại hoa, không khí tưng bừng, háo hức. Còn giờ xanh xao, tiêu điều quá”, giọng nói của anh vẫn còn nguyên sự luyến tiếc.
Thời khắc đó Sài Gòn chỉ còn “lệ” mà không còn “hoa”, Dương viết nên ca khúc Sài Gòn tôi sẽ. Dù chỉ mất 1 tiếng để hoàn thành, nhưng có lẽ 30 năm sống, lớn lên cùng thành phố đã cho anh những mạch nguồn âm ỉ để kết tụ thành tình yêu chân thành, giản dị trong ca khúc này.
Cảm xúc tự nhiên kết hợp điệu valse nhẹ nhàng, du dương cùng thủ pháp tả thực, liệt kê “học lỏm” từ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua ca khúc Bài ca dành cho những xác người khiến hình ảnh Sài Gòn những ngày “trọng thương” càng được khắc hoạ đậm nét, sống động:
“Hàng quán hay chợ búa hay là cổng trường/ Rạp hát hay là công viên rồi giáo đường/ Cửa đóng then cài để bao người nhớ thương/ Quạnh vắng khi nhìn lá rơi đầy vấn vương/ Những dây giăng mắc khắp mọi nơi/ Như đang buộc trói tâm hồn tôi/ Tiếng xe còi hú trong tả tơi, nghe tả tơi…”
Ra mắt không lâu, ca khúc của Dương được nhiều người chia sẻ như nói lên tâm trạng của bao người đang sống và làm việc tại Sài Gòn cũng là lời động viên thành phố đang gồng mình chống dịch. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi sau đó đã cover. Đặc biệt, gia đình ca sĩ Cẩm Vân chọn Sài Gòn tôi sẽ làm ca khúc mở đầu cho chuỗi âm nhạc Mùa Sài Gòn buồn của chị.
“Âm nhạc trước hết phải vì mình, không phải viết vì người khác. Chỉ cần một người nghe hiểu được tôi đã rất vui rồi. Bởi, hiểu được âm nhạc của mình là hiểu được mình”, Dương nói Sài Gòn tôi sẽ đơn thuần để nói lên tiếng lòng của mình, song quá hạnh phúc vì nhiều người đón nhận.
Nhiều người thường nói về thành công của bản thân nhưng với thầy giáo trẻ Nguyễn Thái Dương: “Tôi không nghĩ mình thành công, nhưng tôi sẵn sàng kể về thất bại”.
Dương đi dạy từ năm 2013, khi mới ra trường. Thời sinh viên khá nổi bật, Dương được thầy cô để ý, anh tự tin mình giỏi. Một hôm, người bạn cùng khóa nhờ tiếp quản lớp dạy tiếng Anh cho công ty nọ, Dương nghĩ mình sẽ làm tốt hơn bạn.
“Thế mà sau buổi dạy họ chê tôi thậm tệ, kêu người cũ trở lại đứng lớp”, Dương biết mình không giỏi như đã tưởng, có lẽ vì thiếu kinh nghiệm.
Đến khi nổi lên từ những bài hát tiếng Anh với biệt danh thầy giáo 9X, được mời làm giáo viên cho một trung tâm, Dương “hét” lương cao, “kén chọn” giờ dạy vì nghĩ mình “hot”.
“Nhưng chỉ sau khoảng 2 tuần họ thấy tôi không hợp nên ngừng cộng tác”, Dương nhìn ra được mình đã đòi hỏi quá nhiều thay vì cống hiến.
Giai đoạn 2018 – 2019, thấy nhu cầu học nói tiếng Anh ngày càng lớn, Dương quyết mở trung tâm riêng dù chẳng biết về kinh doanh, chuyện xin giấy phép. Thấy cơ sở chính tại quận 10 ăn nên làm ra, anh thực hiện “ước mơ” mở chi nhánh.
“Chi nhánh đặt tại Thủ Đức với mong muốn phục vụ sinh viên Đại học Quốc Gia”, anh nói rồi liền lắc đầu: “Thất bại”.
Dương nhận ra, cùng một công thức có thể pha chế ra hai ly cà phê như nhau, nhưng giáo dục thì không. Bởi, sản phẩm của giáo dục liên quan đến con người, nhu cầu, thị trường… “Mình thành công ở chỗ này chưa chắc đã thành công ở chỗ thứ hai”, Dương nói.
Thế là thầy giáo trẻ lâm vào tình trạng trung tâm chính phải gắng chạy để bù lỗ cho chi nhánh. Dần quá sức, Dương bán tài sản, vẫn nợ. Mượn tiền bạn, anh mất bạn. Có những lúc trong ví anh không có nổi 50.000 đồng để ăn sáng.
“Mỗi ngày cứ mở mắt ra là mất 10 triệu, tôi luôn phải nghĩ cách làm sao để kiếm 10 triệu khác bù lại”, Dương làm việc khi con trai chưa thức và lúc con ngủ anh vẫn chưa làm việc xong. “Cha con giao tiếp với nhau bằng giấc mơ”, Dương ví.
Có những hôm sợ con chạy đùa khi mình đang dạy, Dương “nhốt” con trong phòng và giữ đứa trẻ ngồi yên bằng iPad.
“Đến khi dẫn con đi công viên, thấy con chơi vui vẻ, tôi bật khóc. Tôi biết mình đã cướp tuổi thơ của con”, anh chùng giọng. Tôi thấy rõ nỗi ray rứt của Dương khi nhắc về con, khác hẳn hình ảnh một thầy giáo 9X tự tin mà nhiều người biết đến.
Sau đó anh được khuyên “nếu giỏi chuyên môn hãy tập trung làm chuyên môn”. Dương thuê CEO vận hành trung tâm, kèm triển khai thêm hình thức dạy online.
“Anh cảm thấy thế nào khi nhớ về giai đoạn khó khăn đó?”, tôi hỏi. Dương nói mình thấy biết ơn. Anh biết ơn tất cả những gì đã đến với mình trong cuộc sống.
Nếu quay ngược thời gian, Dương có thể rút được nhiều kinh nghiệm. Thế còn thay đổi điều gì đó theo ý mình? “Không, chuyện gì đến phải đến”.
“Cô giáo tôi từng nói người thắng cuộc trong cuộc tranh cãi là người không để xảy ra tranh cãi. Lúc đó tôi không đồng ý vì nghĩ nếu mình đúng cũng chấp nhận thoả hiệp sao? Nhưng giờ tôi đắn đo nhiều giữa sự an yên và thành tựu. Người hay nổi giận, đòi hỏi là người yếu đuối, còn khi chịu đựng được thì mình đã mạnh mẽ hơn. Cứ an yên, yêu đời, yêu người”, Dương cười rạng rỡ.
“Vậy giữa an yên và thành tựu, đâu là điều anh ưu tiên chọn?”, tôi tò mò.
Hớp ngụm cà phê, Dương có chút cân nhắc. Tôi nghĩ bụng “dễ hiểu thôi vì anh còn quá trẻ”.
“Khi ra trường tôi mong đạt được mức lương 7 triệu, rồi 20 triệu, 50 triệu… cảm thấy không bao giờ đủ, bởi luôn luôn có ước mơ. Tôi cũng muốn được công nhận, giàu sang, thành tựu, nhưng nếu phải chọn thì chắc chắn là an yên. Có ai hơn mình, tôi vẫn chấp nhận”, Dương từ tốn giãi bày.
Hiện, dù vẫn thiên cho công việc, nhưng dần bù đắp lại cho gia đình, cho con trai một chỗ ở tốt, có không gian tự do vận động, tự do phát triển… Dương thấy đời vui.
Biết Dương khá lâu, tôi ấn tượng vì anh là người trẻ đa tài, điển trai, lịch thiệp, lại thẳng thắn một cách khéo léo.
Từng nổi lên như một hiện tượng với khả năng “chế” lời hát, sáng tác thơ lục bát… lồng ghép vào các từ vựng tiếng Anh, giờ đây Dương xuất hiện trên mọi “mặt trận” Facebook, Youtube, TikTok và một số chương trình truyền hình.
Song, ít ai ngờ thầy giáo 9X lại là “tay ngang”.
Dương tốt nghiệp thủ khoa ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM. Với tấm bằng giỏi, anh được đặc cách học cao học. Song, chàng trai trẻ quyết định trở thành giáo viên dạy tiếng Anh.
Lý do? Đơn giản là vì anh thấy mình có năng khiếu truyền đạt, cộng với vốn liếng tiếng Anh có thể giúp học trò thấy mọi thứ dễ dàng hoặc ít nhất là có vẻ dễ dàng.
“Khi thấy dễ, người ta sẽ muốn làm. Khi làm được, người ta thấy vui và muốn học tiếp. Khi thấy người ta vui, tôi cũng vui. Và chính vì ham vui, nên tôi mới quyết định chuyển hướng”, Dương cười.
Âm nhạc với anh là đam mê thứ hai sau giảng dạy. Nhưng ít ai biết những bài nhạc chế tiếng Anh “nổi đình nổi đám” của Dương lại không quá đậm tính giáo dục.
“Bài thứ nhất tôi sáng tác để thoả lòng mong ước bản thân, bài thứ hai tôi chiều lòng khán giả, bài thứ ba để truyền thông, bài thứ tư muốn thử thách tài năng…”, những yếu tố khác trội hơn về giáo dục.
Còn về dạy học, Dương đúc kết công thức riêng 2-4-7, nghĩa: Học mới 2 điều, luyện tập 4 lần, thực hành 7 lần.
“Tôi ưu tiên tạo hoạt động mới thay vì kiến thức mới. Không cần học nhiều, mỗi ngày một chút. Một buổi học của tôi thường chỉ kéo dài 1 tiếng để ai cũng có thể sắp xếp học được. Tuy nhiên, mỗi ngày đều học”, Dương chỉ ra tầm quan trọng của việc trau dồi kiến thức.
Ngồi với Dương hôm ấy, nghe anh kể những điều anh chưa từng nói ra, tôi chưa từng ngờ đến, tôi thấy quý và cảm nhận rõ hơn sự thật tâm của anh trong câu nói: “Không có học trò, không có thầy giáo 9X ngày hôm nay”.
Anh thấy yêu đời, thương người khi nghĩ đến hàng trăm học sinh đang đợi mình lên lớp. Tôi biết, Dương tự tin được là chính mình…
Còn sau bao nhiêu trắc trở, tôi và anh cùng mong Gòn Sài mau khoẻ, bởi: “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!”.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!