Chuyện thầy cô phạt, chửi rủa học sinh dần không còn là việc xa lạ. Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao về đoạn clip ghi lại cảnh giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp học trực tuyến sau khi sinh viên này nhờ thầy giảng lại bài vì… mưa to quá không nghe rõ.
Dường như, nhiều người “lầm tưởng” giữa việc nghiêm khắc với mạt sát học sinh. Nghiêm khắc để người học tiến bộ là cần thiết, nhưng mạt sát, xúc phạm học trò thì chưa bao giờ và vĩnh viễn không bao giờ là một biện pháp sư phạm.
Đoạn clip được lan truyền trên mạng này có độ dài gần 5 phút. Mở đầu clip, giọng một nam sinh viên nói: “Dạ bên em mưa to quá em nghe không rõ, thầy có thể nhắc lại được không?”. Người được cho là thầy giáo nói: “Vậy để tôi cho em ra khỏi lớp luôn, khỏi học ha. Tên gì em?”.
Người này tiếp tục: “Mưa to quá thì học làm gì, đi ngủ đi hén. Việc to hay không thì anh tự giác lấy tai phone đeo vô chứ mắc mớ gì chuyện mưa to tôi phải giảng nhiều lần”. Giọng một nam sinh viên đáp: “Dạ em gắn tai phone vô nhưng nghe cũng không rõ mấy”.
Khi nam sinh viên này cho biết dù đeo tai nghe nhưng vẫn không rõ, thầy giáo vẫn đáp: “Vậy thì làm sao học, nghỉ môn học hôm nay đi”. Sau đó, người được cho là thầy giáo đã hỏi tên và đuổi sinh viên này ra khỏi lớp học trực tuyến.
Sau khi cho sinh viên đó ra khỏi lớp học trực tuyến, giảng viên này yêu cầu từng sinh viên trong lớp mở webcam và nói câu: “Tôi tên là Nguyễn Văn A gì đó, có đủ miệng và tai, giác quan như người bình thường”.
Liên quan vụ việc, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM xác nhận giảng viên trong đoạn clip gây xôn xao trên mạng xã hội là giảng viên khoa Điện – Điện tử của trường. Tuy nhiên, trường cho biết đoạn clip này đã bị cắt bớt nên chưa phản ánh đúng toàn bộ bối cảnh sự việc.
Mới đây, trên fanpage chính thức của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đội ngũ admin đã đăng tải một bài viết dưới góc độ của người thầy. Nguyên văn dòng chia sẻ trên trang trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM như sau:
“1. Thầy đã sai khi nóng tính và có lời lẽ gây tổn thương người nghe. Nhưng câu chuyện trong lớp đã được giải quyết xong và các bạn thầy xóa ra được vào lớp sau đó như thầy nói “ra xem lại rõ rồi vào trả lời”.
2. Các bạn học thầy kể cả cựu sinh viên ra trường được 10 năm hay sinh viên đang được học thầy và sinh viên trong chính lớp mà mọi người được xem, đều rất yêu quý thầy. Do thầy nóng tính, hay la hoặc như các bạn nói, hay “dọa” sinh viên để các bạn chú tâm nghe giảng, hiểu bài và không rớt môn.
3. Clip có cắt bớt nên chúng ta không thấy được đoạn thầy giảng xong hỏi nhưng sinh viên không trả lời. Thầy muốn sinh viên hiểu hay không cũng lên tiếng để thầy biết các bạn nắm được hay không.
Câu “Anh có thấy bạn kia trả lời KHÔNG NHỚ, tui bóp chết bạn ấy không?” sau đó để sinh viên trả lời “không có” thầy mới bảo “Cho nên vì sao anh không trả lời, tôi có làm gì anh đó đâu?” .
=> Ý thầy là dù không biết hay không nhớ cũng phải lên tiếng để thầy biết mình đang giảng có người nghe.
4. Như đã nói ở trên, là một người ngoài cuộc khi nghe một đoạn chúng ta sẽ rất phẫn nộ với cách nói của thầy. Nhưng đặt trong ngữ cảnh tương tác trong lớp với nhau và đoạn giữa thầy nhắn mời các bạn nãy vào lát thầy lại điểm danh, theo sinh viên nói là thực sự muốn học thì thầy cho vô lớp lại bình thường.
Với chia sẻ của các cựu sinh viên, sinh viên từng học thầy rất nhiều về một người thầy hơi nóng tính, ở tuổi thầy có cách dạy hơi truyền thống cùng với mặt trái của áp lực học online đưa câu chuyện đi xa hơn tưởng tượng rất nhiều.
Nhiều lời mắng chửi thậm tệ, gay gắt, tẩy chay được dành cho thầy, dồn vào bế tắc, bỏ nghề… (trong khi tất cả sinh viên học thầy đều không hề oán trách mà còn biết ơn những gì thầy luôn giúp đỡ các bạn – một người thầy có tâm và có cách truyền đạt hay, chất lượng) như vậy có quá không công bằng với thầy không?
Tin chắc rằng sau câu chuyện, cả giảng viên, sinh viên đều có cho mình những kinh nghiệm nhất định về truyền đạt, tương tác, cách chia sẻ và phản hồi thông tin, tôn trọng lẫn nhau.
Mục đích viết bài này với các nguồn thông tin từ các cựu sinh viên, các em sinh viên đăng trong Diễn đàn sinh viên trường Group Sinh viên trường chỉ mong muốn sẽ mang lại góc nhìn khác của những người trong cuộc về câu chuyện.
Cũng mong các bạn trong cuộc, trong câu chuyện và các bạn từng học, tiếp xúc với thầy chia sẻ thêm nhiều hơn để sinh viên và phụ huynh hiểu hơn về thầy của con em mình, bỏ đi những lo lắng về câu chuyện chưa đúng sự thật.
Sự việc vẫn đang trong quá trình xử lý, Phụ trách trường đã gửi văn bản khẩn yêu cầu xác minh thông tin và giải trình sự việc từ Khoa và Phòng Thanh tra giáo dục hạn là ngày 20/9/2021 và nhà trường sẽ có những bước giải quyết sau đó.”
Có thể thấy, trong những ngày nghỉ dịch dài, việc học online đã trở thành phương án thay thế tốt nhất để đảm bảo an toàn nhưng vẫn không bị hụt kiến thức. Tuy nhiên, hình thức học này có tích cực, hiệu quả hay không, bên cạnh việc giảng viên có phương pháp giảng dạy thích hợp thì việc sinh viên tập trung, chịu khó tương tác cũng vô cùng cần thiết. Vì vậy, thay vì gây khó khăn, nghiêm khắc quá mức cần thiết, người dạy cũng cần có sự kiên trì, cảm thông để việc học online đỡ căng thẳng nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!