Để giải đáp câu hỏi: “Bạn ấy là ai? Đang làm gì?”. Tôi chỉ tóm gọn: “Sinh viên sắp ra trường. Làm được”.
Tôi check lại lần nữa thông tin về bạn. Không phải sắp ra trường mà là sinh viên vừa hoàn tất năm 3. Thế rồi, bạn tiếp nhận công việc khá nhanh. Sản phẩm bạn làm ra tuy chưa đa dạng nhưng đều là tính phát hiện và có chiều sâu. Không khen, nhưng phải nói, một sinh viên năm thứ 3 nhưng đã làm tốt hơn rất nhiều những người có thâm niên. Nếu nói xa hơn, người thâm niên nếu không thay đổi sẽ lạc hậu và bị bỏ lại phía sau rất nhanh giữa dòng chảy của cuộc sống.

Tôi lại nhớ về một người trẻ khác. Đó là một cô gái từng “nổi đình nổi đám” năm 2020 khi một bài báo đăng “nữ sinh vừa ra trường đã mua được nhà ở Sài Gòn”.
Lúc ấy, giữa 2 luồng tranh luận về cô gái. Có người khen giỏi, nhưng cũng không ít lời chê bai. Điều tôi cảm thấy bất ngờ nhất, chê bai cô ấy lại là những đàn anh đàn chị có hiểu biết trong nghề. Họ tự nhận họ làm việc lâu năm rồi mà đến nay vẫn ở trọ, vẫn khó khăn.
Cùng thời điểm mà một tờ báo có phóng sự “cha nuôi – con nuôi” gây bão mạng, cô sinh viên mới ra trường trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người với nghi ngờ: mua được nhà chắc nhờ… đát-đì.
Những ai là cộng sự của cô ấy đều nói với tôi rằng, đó là một bạn trẻ năng động, ham học hỏi, cày ngày cày đêm và có được những đồng tiền chân chính trên thành quả lao động miệt mài. Những người phê phán lại đa phần là người chưa từng gặp cô gái mà chỉ “mua trâu vẽ bóng”.
Tôi có quen một cậu thanh niên cùng tầng chung cư với tôi. Tôi thấy cậu hay mặc áo thun sinh viên đi đá bóng về. Tôi biết cậu là sinh viên năm cuối. Một bạn trẻ tướng tá tốt, lại lễ phép, thích thể thao nên gây trong tôi ấn tượng.
Thời gian trôi nhanh, cậu ra trường lúc nào tôi chẳng hay. Mỗi lúc gặp, thấy vẫn lễ phép chào nên tôi cứ nghĩ vẫn là sinh viên.
Một sáng sớm, tôi đi tập thể dục về. Thang máy lên đến tầng 3 thì dừng lại. Cậu sinh viên bước vào với quần đùi, áo thun. Tôi giật mình hỏi: “Phòng thể thao cộng đồng ở tầng 6 mà”. Cậu bé bảo: “Dạ không. Em ở công ty lên nhà”.
Thì ra công ty nơi cậu làm việc lâu nay ở căn officetel ngay chung cư. Tôi hỏi, sao lại ăn mặc thế này vào công ty?. Cậu bé cười bảo, công ty nước ngoài nên ăn mặc cũng khá thoả mái. Tôi lại hỏi, công ty nước ngoài sao làm việc sớm vậy. Cậu lại nói chuyện rất tự nhiên: “Dạ không, em làm công ty này từ lúc còn sinh viên, giờ ra trường nên được nâng lên làm quản lý. Vận hành toàn robot và nhân sự ở nước ngoài, khắp toàn cầu”.
Tôi cảm thấy thú vị. Những điều chàng trai trẻ nói, mới đây thôi tôi còn nghĩ chỉ là trong trí tưởng tượng của con người. Đó là mơ ước vào thời đại robot thay thế con người rất xa xôi trong tương lai, nào ngờ đâu đã hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.

Nhớ lại câu chuyện cô bé sinh viên năm 3, vì sao tôi quyết định tiến cử, chọn lựa, bởi đơn giản tôi có niềm tin vào người trẻ. Tôi ngày xưa hết năm 1 đã quyết tâm không để cha mẹ phải lo tiền học. Khi bạn bè còn “nhận lương” gia đình mỗi tháng, còn sáng đi học, tối đi dạo, cuối tuần ở Kí túc xá đếm thời gian thì tôi lại lao vào cuộc mưu sinh.
Khổ có, tủi thân có nhưng không vì thế mà làm tôi chùng lòng. Tôi lại thấy tự hào và đã mường tượng ra con đường đi cho mình ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường. Tôi luôn tự khuyên mình: “Lao động là vinh quang”.
Đi làm khi còn quá trẻ có cái bất lợi với những người không đặt niềm tin vào người trẻ. Lúc năm thứ 3, tôi dám “nổ” đã đi làm 2 năm. Khi ra trường, tôi “nổ” đã kinh nghiệm 5 năm. May mắn duy nhất của đứa từng trải là sự chững chạc, nếu nói thẳng ra là cái mặt già hơn tuổi nên mới có được lòng tin của mọi người. Hơn hết, đó là thái độ công việc và hiệu quả do người trẻ tạo ra.
Giờ đây, khi đã đi qua cái thời trẻ, tôi lại buồn cười khi ai đó gọi mình là chú. Tôi lại “nổ” và chỉnh tuổi mình trẻ hơn 5-10 so với tuổi thực. Không phải để níu lại thời trai trẻ mà là làm cho tâm hồn mình luôn trẻ để dám nghĩ, dám làm với tư duy trẻ.
Hãy nhìn những người trẻ để rọi chính mình. Người trẻ 9X, 2K chính là động lực của hiện tại và thúc đẩy tương lai. Người trẻ không chỉ ở tuổi trẻ mà cần phải tư duy trẻ.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!