Trong cuộc họp với Cục hàng không đầu tuần trước, VNA đề nghị Cục hàng không dành 50 – 70% slot bay nội địa cho và 100% slot quốc tế đợt bay quốc tế sắp tới. Chưa hết, họ còn đòi áp giá sàn cho giá vé máy bay không dưới 600.000 đ/vé (chưa tính thuế phí) và không cho các hãng tăng số lượng tàu bay thuê và mua mới trong năm nay! Ngược lại Vietnam Airlines được quyền tăng số lượng tàu bay để hãng này chiếm trên 50% tổng số tàu bay ở Việt Nam.
TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không thẳng thắn cho rằng đề xuất nói trên là ngang ngược, vi phạm nghiêm trọng nhiều luật như Luật cạnh tranh, Luật hàng không dân dụng, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư và vi phạm các cam kết, hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Tuy nhiên VNA đưa ra cái lý của mình là kiến nghị điều chỉnh mức giá sàn trên cơ sở mức phí khai thác hợp lý của hàng không, đảm bảo các hãng không phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Còn điều chỉnh mức giá trần là cho phù hợp với tình hình thị trường và chi phí đầu vào.
Theo VNA, cơ sở tăng giá trần và áp giá sàn là bài toán để hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn COVID-19, giảm bớt cạnh tranh, giẫm đạp lên nhau để tự làm yếu mình. Không chỉ cạnh tranh nội địa, khi thị trường phục hồi, hàng không quốc tế “nhảy vào” thì nội lực của hàng không VN yếu đi.
Bên cạnh đó thì nhiều vị bênh vực VNA cũng đưa ra bài học Grab từng “phá giá” Uber tại VN để cho thấy giá vé 0 đồng hiện nay tính về lâu dài không có lợi cho người tiêu dùng khi thị trường bị thâu tóm và chẳng còn lựa chọn. Họ cũng cho rằng do đặc thù của VNA, hãng này cần phải có những ưu đãi hơn nữa để bảo toàn “ bộ mặt hàng không quốc gia” cũng như vốn liếng Nhà nước!
Nói gì nói hay biện hộ ra sao thì cuối cùng cũng phải theo cơ chế thị trường, tự sống bằng cạnh tranh sòng phẳng chứ không thể chờ mãi vào ưu đãi của Nhà nước hay chính sách có lợi cho mình.
Hàng chục năm qua, VNA dường như không có cạnh tranh và chỉ chợt bừng tỉnh từ khi VJ ra đời rồi Bamboo tiếp theo nên sự lúng túng trong điều hành, quản lý, vận hành vẫn còn kéo dài. Covid 19 tiếp tục giáng đòn quá mạnh vào nội lực của họ, bộc lộ thêm khá nhiều điểm yếu đi kèm.

Thay vì cải tổ hay sắp xếp lại phải được xem là ưu tiên số 1, nhiệm vụ hàng đầu thì cách truyền thông cho thấy VNA lại chăm chăm đòi ưu ái, thậm chí “ngang ngược” như TS Tống nhận xét.
Về lâu dài nếu VNA chọn cách làm mới mình, nhận ra cái chưa hoàn thiện rồi biết sửa mình chứ không phải là mượn tay cơ quan quản lý để “ đè bẹp” đối thủ thì may ra họ mới “ trưởng thành” thực sự chứ không nên dùng cách “con cưng” luôn đòi quà như hiện nay.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!