Người anh, chị bắt đầu bằng câu hỏi: Lỡ bị cướp giật, em làm gì? Và lời khuyên là: phải chấp nhận mất của và báo Công an, vì suy cho cùng chức năng bắt cướp không thuộc về chúng ta.
Nên xem:
Chúng ta có nghe lời kết tội nào từ chính những người được gọi là nạn nhân không.
Với người miền Trung, họ quen rồi chuyện bão lũ. Khi có thiệt hại, họ cũng gồng mình vượt qua như cái tính “chịu thương chịu khó”, luôn biết chắt chiu từ ngàn đời.

Đừng trách cứ, vì đâu chỉ Việt Nam, bao nhiêu quốc gia cũng gánh chịu biết bao cơn thịnh nộ cuồng phong. Hẳn đó cũng là sự cân bằng của mẹ thiên nhiên, khi ban tặng cho ta sự sống và cũng lấy đi bất cứ thứ gì.
Lịch sử mỗi nền văn minh nhân loại đều có lực lượng đương đầu với thiên nhiên, mục đích cuối cùng là bảo vệ con người. Bão lũ miền Trung đang dữ dội vô cùng. Một phần, chúng ta ứng phó được phải nói đến sự nỗ lực của một lực lượng rất lớn với các nhiệm vụ: dự báo, thông tin, thông báo, cưỡng chế, di dời hàng vạn người, của cải, phương tiện và tàu thuyền… Làm đúng trăm lần là mặc định, chỉ một lần sai là lực lượng này sẽ bị lên án tận cùng.
Thiệt hại từ trên đầu ập xuống. Ai cứu đồng bào. Các chiến sĩ, bộ đội của ta là nòng cốt. Thương đồng bào bị chôn vùi trong đất đá. Người đào bới ngày đêm, chạy đua với thời gian… chính lực lượng nhà ta. Vì lẽ là họ có chức năng, nhiệm vụ, nghĩa vụ và cả những tấm lòng để làm việc đó.
Bão tan, lũ rút. Ai gắn bó cùng bà con để gượng dậy. Chính quyền địa phương, hay đơn giản có thể là anh cán bộ mặt trận, chị phụ nữ huyện nhà… Họ ở đó đời đời “chôn nhau cắt rốn”.
Thương khúc ruột miền Trung, mọi sự hướng về dù bất cứ cách nào thì cũng là nghĩa đồng bào. Nhưng nó chỉ càng ý nghĩa hơn khi người ta làm đúng chức năng. Xin đừng trách một lực lượng rất lớn ngày đêm làm công tác xã hội. Họ không có sự hào nhoáng với tiền tỷ vận động hay những tấm ảnh “cảm xúc” khi phát cứu trợ.
Họ cũng không có khả năng hô hào đám đông theo một trào lưu, xu hướng nào. Nhưng, ở đó, có nhiều người dành trọn cuộc đời đi ngược về xuôi, chăm lo, san sẻ và kết nối yêu thương rất nhiều phận người. Họ có chức năng, kinh nghiệm, cũng không thiếu tấm lòng cho những điều ý nghĩa.

Hình dung, khi mang cả mấy bao tiền đến một địa điểm. Khi cả ngàn người tập trung. Cơ sở nào để chắc rằng tiền và hàng đến tận tay người cần giúp… nếu chỉ làm tự phát. Mấy ngày nay, đường vào các xã thiệt hại nặng do bão lũ, có hàng dài xe vào cứu trợ, khiến mọi công tác khắc phục trở nên khó nhọc hơn…
Và chưa kể, biết bao rủi ro đang rình rập, biết bao hệ luỵ đang tiềm ẩn. Hệ luỵ nhất chính là niềm tin xã hội vào những người có chức năng thực thụ sẽ dần bị xói mòn. Khi ấy, có khi sẽ tạo ra một khoảng trống đau thương … và những rào cản khiến lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình…
Và bạn ơi, đừng vội ném đá bằng vài câu chuyện chưa đẹp, rồi phủ định tất cả. Cũng khoan vội quy chụp bằng vài thông tin tiêu cực từ các sự vụ. Hẳn nhiên, tạo nghiệp ắt nghiệp báo. Và cuối cùng, chức năng của chúng ta ngay bây giờ: hãy lan toả điều tốt đẹp nhất, hạn chế điều tiêu cực nhất từ trong phạm vi năng lực của mình.
Bài viết thể hiện Góc Nhìn của Nhà báo – MC – BTV Tấn Tài
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com. Trân trọng!