Những con số tồn kho ít nhất 60.000 căn condotel chưa kịp có hướng ra thì tín dụng cho bất động sản bị siết lại, hạn chế. Tiếp đó là đại dịch Covid-19 tràn đến, đợt dịch đầu tiên vừa tạm lắng đến lượt Bộ Công an đề nghị không hợp thức hóa Condotel như đề xuất trước đó.
Trong khi các bộ tranh cãi, ý kiến trái chiều thì đợt dịch thứ 2 ập về hơn 1 tuần qua làm cả chủ đầu tư lẫn khách hàng hoang mang và lo ngại không biết số phận thị trường này sẽ ra sao?
Không như các loại hình bất động sản khác, bất động sản nghỉ dưỡng chỉ phục vụ du khách, nghỉ dưỡng và khi ngành này đóng băng, khách không đến, ngại đi lại và vì dịch phải hạn chế di chuyển thì doanh thu xem như con số 0 nếu chưa muốn nói còn có thể âm vì phải bảo dưỡng, bảo trì, chăm sóc…

Theo báo cáo thị trường mới nhất của Savills Việt Nam, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng 6 tháng đầu năm 2020 hoạt động kém nhất từ trước đến nay do chính sách phong tỏa. Công suất phòng giảm 36 điểm phần trăm theo năm xuống 32% trong khi giá phòng giảm 13% theo năm xuống 74 USD/phòng/đêm.
Tháng 7 vừa ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ của du khách đúng dịp nghỉ hè và công suất phòng của nhiều khu nghỉ dưỡng đạt trên 85% thì cuối tháng dịch ập đến và khách hủy phòng khắp nơi, kể cả ngoài Đà Nẵng và những nơi có dịch! Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vừa gượng dậy lại bị bồi tiếp “cú đấm”!

Nhận xét về làn sóng Covid-19 thứ hai ảnh hưởng đối với hoạt động của ngành du lịch Việt Nam, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương cho rằng: “Sự bùng phát của dịch COVID tại Đà Nẵng sẽ gây hưởng đến các địa điểm du lịch khác của Việt Nam, cả phân khúc khách nghỉ dưỡng lẫn phân khúc khách công vụ vì yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu đối với các du khách.
Khi dịch bệnh xảy ra, du khách sẵn sàng hủy hoặc tạm hoãn các kế hoạch du lịch. Mọi người sẽ có xu hướng tránh các khu vực đông người như sân bay hay nhà hàng, quán bar cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn”.

CEO một tập đoàn lớn có dự án đang mở bán ở Phan Thiết thở dài cho hay doanh nghiệp mình hy vọng khách hàng sẽ quay trở lại vì Việt Nam sớm hết dịch và an toàn hơn nhiều quốc gia khác nhưng với tình hình này thì phải hủy kê hoạch làm lễ mở bán vào giữa tháng 8/2020.
Hàng loạt dự án khác cũng đã quảng cáo, tăng tốc bán hàng trong tháng 8 cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi Covid-19 quay lại, khách nội địa không đi, khách quốc tế chưa được đến và người ta lo dành tiền vì sợ dịch diễn biến xấu, kéo dài.

Giờ đây chỉ còn hy vọng dịch sẽ sớm được dập tắt như lần trước và khách hàng sẽ quay trở lại dù họ sẽ cẩn trọng hơn. Tuy nhiên nguồn cung quá nhiều, nhu cầu vẫn ít và kinh tế thế giới lẫn trong nước dự báo sụt giảm mạnh do Covid-19 thì thị trường bất động sản khó gượng dậy ngay trong năm nay.
Ít nhất đến giữa 2021 mới có thể thấy tín hiệu tốt cho thị trường này kèm điều kiện giảm giá bán, bớt nguồn cung và các dự án đã bán đảm bảo những cam kết đã kí với khách hàng. Điều cực kì khó trong 6 tháng tới…
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!