Có nhiều nguyên nhân dẫn đến một chuyến bay bị chậm (delay) như trục trặc kỹ thuật, hành khách đến muộn, hành lý chưa đưa lên máy bay kịp, thiếu nhân viên hàng không, thời tiết xấu, máy bay đến muộn…
Trong đó thời tiết xấu, máy bay đến muộn do sân bay quá tải giờ cao điểm, hoặc nhường quyền ưu tiên cho máy bay khác chở khách VIP là những nguyên do mà máy bay phải bay vòng để chờ hạ cánh, từ chuyên ngành là (holding) dẫn đến máy bay đến muộn và chuyến bay sau bị chậm (delay). Nếu máy bay gần đến sân bay hạ cánh mà còn quá cao thì cũng có thể bay vài vòng chờ để hạ độ cao.
Vào mùa mưa bão thì các hãng hàng không thường tính toán mang thêm nhiên liệu để dự phòng trường hợp bay chờ khoảng 30ph cho thời tiết tốt hơn để có thể hạ cánh. Hoặc máy bay phải bay đường xa hơn kế hoạch để tránh tâm bão.
Về góc độ kỹ thuật, tôi xin giải thích tóm gọn như thế này để mọi người dễ hình dung. Khi bay chờ, máy bay sẽ được chỉ định bay chờ ở một vị trí được thiết kế sẵn trong bản đồ dành cho phi công gần khu vực sân bay. Chờ nhanh thì có thể làm một vòng 3600.
Chờ lâu thì bay 1 hoặc nhiều vòng hình chữ nhật như hình dưới. Vòng bay chờ luôn được thiết kết theo một hướng cố định theo la bàn. Máy bay ở bất kỳ hướng nào cũng đều có thể bay vào vòng chờ theo kỹ thuật đã được huấn luyện. Khi được lệnh bay chờ, nếu không bay tự động thì phi công sẽ tính toán trong đầu xem mình sẽ bay vào vòng chờ theo kỹ thuật như thế nào. Có 3 cách để bay vào vòng chờ gọi là entry: direct entry (bay thẳng vào), teardrop entry (vào kiểu hình giọt nước), parallel entry (vào song song).
Vận tốc bay chờ cũng được tính toán sao cho tiết kiệm nhiên liệu và an toàn. Theo luật qui định thì vận tốc bay chờ được giới hạn ở mức tối đa, máy bay có thể bay thấp hơn vận tốc tối đa nhưng phải hiệp thông với kiểm soát viên không lưu.
Đến đây thì bạn biết việc bay chờ này tổn thất như thế nào không? Đối với hãng hàng không sẽ hao tốn nhiên liệu, tần suất sử dụng máy bay bị giảm, xảy ra tình trạng chậm chuyến ảnh hưởng danh tiếng. Còn với tổ bay (phi công, tiếp viên) tăng áp lực công việc dẫn đến mệt mỏi, quá tải, stress vì phải nghe sự phàn nàn từ hành khách.
Về bộ phận kiểm soát viên không lưu, việc bay chờ sẽ tăng số lượng máy bay điều phối tại khu vực mình kiểm soát dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi.
Đối với nhân viên mặt đất phải giải thích, chịu đựng khi có chuyến bị chậm và dồn việc khi máy bay đáp được. Còn với “thượng đế” đi máy bay sẽ rước bực bội, khó chịu, cáu gắt, ảnh hưởng tới công việc, kế hoạch di chuyển, khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến kinh tế do chậm ký hợp đồng với khách hàng. Đối với người thân ngồi chờ lâu, mệt mỏi, đói khát, phải tốn tiền mua thêm đồ ăn thức uống. Đối với xã hội tăng tần suất kẹt xe tại khu vực gần sân bay.
Túm lại, khi có một vài lý do nào đó mà chuyến bay của mình bị chậm hoặc bay lâu hơn kế hoạch thì các bạn hành khách cố gắng kìm chế đừng cáu gắt nhé. Cho dù vì bất cứ nguyên nhân nào thì chậm chuyến đều ảnh hưởng kinh tế và sức khỏe của tất cả mọi người mà đó là đều không ai mong muốn.
Bài viết theo góc nhìn Hải Vân – Ban quản trị Diễn đàn hàng không Việt Nam.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!