Theo Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, đến hết năm 2019, chỉ có 207 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, tương đương hơn 4,3 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đạt khoảng 34,3%.
Còn ở TP.HCM, kế hoạch xây dựng thêm 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, dự kiến năm 2020 có thể hoàn thành 20.000 căn dường như phá sản vì con số làm được chưa đến 1/3!

Nguyên nhân thì nhiều, giải pháp cũng có nhưng thực thi lại chẳng bao nhiêu.
Chính ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng thừa nhận, hiện nay chính sách phát triển nhà ở xã hội đang có nhiều vướng mắc, nhất là quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại hiện còn thiếu, hay các quy định lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa rõ ràng; ưu đãi đối với nhà đầu tư về lợi nhuận định mức, quản lý nguồn vốn ưu đãi cũng chưa được quy định rõ.

Tháng 4/2020, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó, 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) để hỗ trợ cho vay phát triển nhà ở xã hội.
Từ đây, các ngân hàng thương mại sẽ huy động thêm trên dưới 60.000 tỷ đồng. Những dự án nhà ở xã hội đang triển khai mà vướng mắc về vốn sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp hỗ trợ cho vay. Nhưng thủ tục, pháp lý và hàng loạt những rào cản khác vẫn là vấn đề “khổ lắm, nói mãi” gần chục năm nay khiến cả chủ đầu tư lẫn người có nhu cầu khó đáp ưng được yêu cầu vay được vốn của ngân hàng.

Một khi vướng cả vốn lẫn cơ chế, chính sách thì nhà ở xã hội không thể phát triển như mong đợi chẳng có gì lạ. Trên thực tế thì các doanh nghiệp địa ốc lớn cũng không mặn mà với phân khúc này vì ràng buộc quá nhiều thứ, thủ tục rườm rà mà lợi nhuận quá ít.
CEO một tập đoàn bất động sản cho hay “Chúng tôi có trách nhiệm với xã hội và vẫn cho đó là một trong những mục tiêu. Tuy nhiên làm dự án phải có lời thì mới bù được cho những chỗ muốn thể hiện trách nhiệm ấy”.

Tại Hội thảo khoa học “khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh nhà chung cư và bất động sản thương mại, dịch vụ” tổ chức mới đây, các chuyên gia trong ngành đã bàn về trách nhiệm dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Họ cho rằng, không nên quy định một cách cứng nhắc, bắt buộc chủ đầu tư phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong mọi dự án nhà ở thương mại như hiện nay. Điều đó vừa không khả thi và vừa không ai muốn làm.

Bộ Xây dựng cho hay Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp. Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia phân khúc căn hộ thương mại giá thấp diện tích dưới 75 m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2. Dự kiến trong quý 3/2020 sẽ có Dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ.
Có lẽ muốn đi xa, nhanh, và mạnh hơn trong phân khúc nhà ở xã hội thì cũng phải chờ xem Nghị quyết này có thực thi suôn sẻ hay không?
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!