Thay vì để chủ đầu tư thu, Sở Xây dựng đề nghị việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu căn hộ trong quá trình quản lý, sử dụng. Số thu sẽ theo tỉ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Như vậy phí bảo trì của chung cư không bỏ như nhiều người tưởng mà chỉ đổi từ chủ đầu tư sang ban quản trị thu trên cơ sở quyết định của hội nghị nhà chung cư.
Tuy nhiên, thông thường Hội nghị nhà chung cư, nơi nào thuận lợi nhất thì ít nhất phải 2 năm sau khi bàn giao nhà cho cư dân. Vậy thời gian 2 năm ấy, kinh phí đâu để bảo trì, sửa chữa nếu chủ đầu tư không hoặc hạn bảo hành thấp hơn 2 năm với những hư hỏng không lớn?

Quỹ bảo trì chung cư ở nhiều thu lên tới hàng trăm tỷ đồng và đây là nguyên nhân chính khiến chủ đầu tư không muốn bàn giao đúng hạn cho Ban quản trị. Nhưng trên thực tế khi đã về với Ban quản trị rồi thì quỹ này cũng gây ra khá nhiều phiền phức, tranh cãi và bất đồng khi sử dụng thế nào, chi tiêu ra sao và thu chi kiểu gì.
Chỉ riêng việc gửi ngân hàng nào với số tiền khổng lồ trên cũng lời ra tiếng vào ầm ĩ ở nhiều nơi bởi chỉ lãi suất “ngoài” hay ưu ái riêng của ngân hàng đã khiến không ít thành viên Ban quản trị “mờ mắt”.

Hiện TP.HCM có gần 1000 chung cư xây sau 1975 và từ khi có quy định phí bảo trì thì số lượng nhà chung cư đã và đang thực hiện bàn giao phí này chỉ có 194 chung cư.
Tại nhiều chung cư, chủ đầu tư không tổ chức Hội nghị nhà chung cư, có nơi đã 5 năm rồi. Nếu không giải quyết được tình trạng này thì đợi cho đến khi có Hội nghị mới quyết được mức thu có lẽ chung cư hư hỏng nặng cũng “cha chung không ai khóc”.
Bên cạnh đấy nếu chỉ vì không xử lý được chủ đầu tư và chưa có biện pháp chế tài chủ đầu tư chậm bàn giao quỹ bảo trì nên cấm họ thu nữa thì ai đảm bảo khi Ban quản trị nắm quỹ sẽ tốt hơn?

Trường hợp một chung cư ở Quận 5 mấy ngày qua cư dân căng băng rôn tố trưởng Ban quản trị chi tiêu quỹ bảo trì không minh bạch cho thấy cần phải có những quy định sử dụng quỹ minh bạch, công khai và đúng luật chứ không phải bỏ hay đưa quỹ từ chỗ này sang chỗ khác.
Thực tế chứng minh chung cư phải có quỹ bảo trì và việc để cư dân tự nguyện trên cơ sở đồng thuận sẽ vô cùng khó khăn. Chủ đầu tư quản lý quỹ thời gian đầu cũng đã lộ nhiều bất cập.
Nhưng dù ai quản lý hay thu cách nào thì cũng phải có quỹ này. Giờ đây việc của các cơ quan quản lý là làm sao để quỹ hoạt động hiệu quả, vì lợi ích của cư dân chứ không phải của chủ đầu tư hay những cá nhân trong Ban quản trị.
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!