Cô gái có tấm lòng nhân hậu đó là Võ Thị Minh Nga, ngụ thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.
Trong mùa dịch Covid-19, cám cảnh trước cuộc sống đã khốn lại càng khó của bà con quê hương, Minh Nga khởi xướng chương trình ATM gạo “di động” miền núi. Chưa dừng lại ở đó, trong 2 ngày 5-7/5, Nga tiếp tục mở “Siêu thị mini 0 đồng” ngay tại chính trụ sở công ty của mình.
Mỗi bà con nghèo được chọn mua 4 món bất kỳ trị giá từ 70 – 100k với giá 0 đồng. Gồm: Dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt, kem đánh răng, bột giặt, mỳ tôm, khẩu trang… Nga cho biết, vì đã thực hiện ATM gạo rồi nên lần này siêu thị chỉ có nhu yếu phẩm.
Vẫn biết còn đó quá nhiều người nghèo khó và thiếu thốn trùng trùng nhưng do ban đầu nguồn lực của Nga không nhiều và sự kêu gọi trong phạm vi nhỏ hẹp nên đợt 1 này chỉ phục vụ được khoảng 250 suất.
Khi đọc đến đây, chắc hẳn mọi người cũng thắc mắc Minh Nga là ai?
Trong mắt tôi, đó là một cô gái cá tính và khác biệt, cháy hết mình với đam mê.

10 năm học tập và làm việc ở TPHCM, Nga đã ghi được những dấu ấn nhất định cho hành trình đi vào tương lai của mình. Thế nhưng, trong khi biết bao người trẻ quyết bám trụ lại Sài Gòn thì Nga lại rời bỏ chốn hoa lệ để về với núi rừng quê hương Quảng Nam làm lại từ đầu, khởi nghiệp với nông sản sạch của người vùng cao.
Từ năm 2016, Nga bắt đầu phát triển thương hiệu các loại đặc sản núi rừng quê hương. Đến năm 2019, Nga chính thức thành lập công ty TNHH SX TMDV Phương Nga (thương hiệu Đặc sản nông sản rừng BHNONG) tại Hiệp Đức – một huyện miền núi thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Nam.
Ngoài số vốn ban đầu 5 triệu ít ỏi cùng niềm đam mê nông nghiệp sạch, hành trang dấn thân trên con đường sản xuất chế biến nông sản của Phương Nga là 2 cuốn sách gối đầu giường: “Trên đường băng” và “Cafe cùng Tony” của tác giả Tony buổi sáng.
Con đường khởi nghiệp ngay trên chính trên quê hương mình được Nga hoạch định cụ thể.
Năm 2016, Nga bắt đầu lang thang trên bản của người đồng bào dân tộc thiểu số để tìm nguyên liệu từ củ gừng, củ nghệ, hạt gạo lứt, mật ong rừng. Năm 2017, cô gái ấy bắt đầu mày mò nghiên cứu sản xuất các sản phẩm tăng sức đề kháng, hệ miễn dịch. Từ 1 cái xưởng nhỏ bé chỉ rộng 30m2 năm 2016 thì năm 2019, Nga đã xây xưởng rộng hơn 120m2. Đến năm 2020, Nga đã bắt đầu xây xưởng hoàn chỉnh rộng gấp 5 lần.
Nga không có kiểu suy nghĩ tiểu nông vụn vặt. Nga nghĩ lớn, làm lớn. Cô ấy quan niệm không bao giờ làm vì tiền thì tiền sẽ đến. Nga khao khát thành công hơn khao khát tiền. Bước phát triển thần kỳ của Minh Nga chính là sau 5 năm, cô đã làm ra được 10 tỷ đồng ngay trên chính quê hương của mình.
Điều gì thôi thúc cô gái trẻ không ngừng phát triển doanh nghiệp? Với Nga, đó chính là khát vọng mỗi thôn xóm trên đất nước Việt Nam đều có một sản phẩm, người người sản xuất, nhà nhà sản xuất, đất nước phồn vinh, xóm làng rạng rỡ.

Cũng nhờ ý chí và mục tiêu đó, Công ty Phương Nga đã tạo ra các sản phẩm tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch như trà gừng núi, mật ong rừng, gừng núi ngâm mật ong, trà gạo lứt rẫy… được mọi người đón nhận, số lượng tăng mỗi ngày. Nhất là sau dịch covid, khi mọi người quan tâm hơn tới sức đề kháng.
“Rất nhiều khách hàng của tôi đã khỏe hơn, đẹp hơn, sống vui vẻ hơn. Rất nhiều bà con quê hương tôi đã có việc làm, thu nhập, ai nấy đều phấn khởi”, Nga chia sẻ trong niềm tự hào.
Nga xác định, công việc là niềm vui. Mỗi ngày là một khởi đầu thú vị mới. Nga mê say sản xuất và mong muốn làm ra những sản phẩm tăng sức đề kháng tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc 100% từ núi rừng, nương rẫy, không bón phân kích thuốc, không chất bảo quản và không hóa chất phụ gia.
Nga cũng mong muốn giúp đỡ bà con nghèo quê mình bằng những chương trình thiện nguyện đầy ý nghĩa nhân văn.
“Tôi chấp nhận lời mời thử thách khắc tên Doanh nghiệp của mình trên địa phương nơi tôi sinh sống. Đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu?!”, Minh Nga quyết đoán.
Dưới đây là một số hình ảnh Minh Nga, cô gái từ bỏ Sài Gòn hoa lệ về làm giàu trên chính quê hương của mình – một huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam:






Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com hoặc liên hệ 0939920088. Trân trọng!