Được xem là “rốn lũ” của Quảng Bình nhưng 10 năm qua, xã Tân Hóa (Minh Hóa) lại ít bị thiệt hại nhất so với các vùng lân cận chủ yếu nhờ vào “nhà phao”!

Nên xem:

Cách đây hơn 10 năm, cứ đến mùa lũ, người dân xã Tân Hóa phải lên núi dựng lều, căng bạt chạy lũ, tài sản xe máy, tivi, tủ lạnh, heo gà, trâu bò vận chuyển không kịp đều bị cuốn theo dòng nước bạc.
Sau trận lũ lịch sử 2010, người dân xã Tân Hóa đã có sáng kiến làm nhà phao để sống chung với lũ lụt. Nhà phao được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại. Khi nước dâng cao, nhờ các thùng phuy rỗng này mà nhà nổi theo nước. Nước lên đến đâu, nhà phao nổi đến đó.

Để làm một căn nhà nổi rộng chừng 15-20m2, bà con đầu tư khoảng 30 đến 35 triệu đồng. Khi nước lũ về, đây là nơi cư trú cho cả gia đình từ 8 đến 10 người và còn chứa thêm được các vật dụng thiết yếu và các tài sản quý như tivi, xe máy, lương thực…
Để giữ thăng bằng và cố định vị trí nổi cho cả ngôi nhà, người dân sáng tạo thêm hai cột định vị gắn vào hai góc nhà. Nhờ có nhà nổi, cuộc sống người dân bớt khốn khó và cơ cực hơn trong những ngày mưa lũ.

Trong mưa lũ trắng trời nhưng nhờ có nhà nổi mà cuộc sống của người dân nơi đây vẫn khá an toàn, vững chãi. Trên những ngôi nhà phao, bếp lửa vẫn đỏ cho 3 bữa cơm hàng ngày của các gia đình. Từ nhà phao này đến nhà phao khác, bà con có thể đi lại bằng thuyền nhỏ để trao đổi công việc khi cần thiết. Nhiều hộ kinh doanh ở Tân Hóa cũng đã làm nhà phao để phục vụ cho những người có nhu cầu trong những ngày mưa lũ.
Đây có lẽ là cách “giúp cần câu” căn cơ nhất mà những nhà hảo tâm nên nghĩ đến khi muốn giúp bà con lâu dài và nhất là những nhu cầu cấp bách đã qua đi.

Có nhà phao với chi phí lắp đặt không quá cao, người dân ở các vùng thường xuyên bị lũ lụt có điều kiện giữ được tài sản và cả tài sản khi nước tràn về. Không chỉ đỡ gánh nặng cho họ, hồi phục sau lũ lụt nhanh hơn mà cũng bớt phải cứu trợ triền miên năm này qua năm khác.
Có thể chưa đủ kinh phí để triển khai đại trà nhưng những nơi thường ngập nặng, ngập nhiều và đời sống khó khăn, vùng sâu xa, khó tiếp cận khi lũ lụt có thể làm trước để xóm giềng có thể nương tựa vào nhau khi chưa có điều kiện nhà nào cũng có nhà phao.

Chi phí 30-35 triệu/căn nhà phao là tính trên giá thành lắp đặt nhỏ lẻ, nếu có nhà sản xuất đại trà thì có thể giảm xuống nữa và đây là mặt hàng được Nhà nước khuyến khích nên sẽ có nhiều ưu đãi về thuế, phí.
Ngoài các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương thì có lẽ các nhà sản xuất cũng nên xem xét thị trường này vì nếu giá thành hạ xuống 20-30 triệu/căn, hy vọng thị phần sẽ không nhỏ!
Bạn đang đọc bài viết trên Mạng xã hội Góc Nhìn tại địa chỉ website www.gocnhin.com.vn.
Góc Nhìn rất trân trọng đón nhận bài viết của bạn cho các chuyên mục Xã hội - Đời sống, Bất động sản - Tài chính - Doanh nhân - Doanh nghiệp, Du lịch, Ẩm thực, Người tốt - Việc tốt...
Bài viết gửi về email: mxhgocnhin@gmail.com. Trân trọng!